Bất chấp, lách luật, video phản cảm như "nấm mọc sau mưa" trên mạng xã hội

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/09/2023 13:25 GMT+7

VTV.vn - Sau một thời gian tạm lắng, những nội dung phản cảm trên mạng xã hội có xu hướng quay trở lại, thậm chí còn gây sốc hơn nhằm lôi kéo sự chú ý.

Sau một thời gian tạm lắng, những nội dung phản cảm trên mạng xã hội như thử thách trực tuyến dung tục, phim ngắn chiếu mạng xoay quanh chủ đề nhạy cảm mại dâm, ngoại tình, loạn luân… có xu hướng quay trở lại, thậm chí còn gây sốc hơn nhằm lôi kéo sự chú ý. Điều đáng nói là những clip, nội dung livestream tuy có nội dung phản cảm nhưng lại thu hút rất nhiều người xem, từ đó dẫn đến việc dễ dàng lách qua các thuật toán của các nền tảng mạng xã hội phân phối. Vì thế, dù nhiều người dùng mạng xã hội không chủ động tìm kiếm nhưng vẫn phải xem các video phản cảm này, khiến nhiều người bức xúc. Trong khi đó, các phụ huynh lại lo lắng vì con cái dễ xem các clip phản cảm này.

Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Sau nhiều phản ánh của báo chí cũng như những quy định được các cơ quan quản lý đưa ra, một số nền tảng quy định chặt chẽ hơn với các nội dung bạo lực, gợi dục, hở hang, phản cảm tại Việt Nam. Thế nhưng, những nội dung này vẫn tồn tại và thu hút lượng lớn người xem. Các đối tượng đã sử dụng chiêu thức gì để lách luật?

Kênh phim ngắn sẽ có nhiều tài khoản ở các nền tảng mạng xã hội khác nhau. Nhưng ở nền tảng có văn phòng đại diện và bộ phận kiểm duyệt ở Việt Nam, tần suất đăng tải phim ít, lượng xem không cao. Với những nền tảng có bộ phận kiểm duyệt ở nước ngoài, số lượng đăng tải rất đều đặn. Các tiêu đề đọc lên rất nhạy cảm nhưng đa phần lại là các từ mập mờ, ám chỉ để chế độ lọc không nhận ra. Đây là một trong những cách lách luật của các chủ tài khoản để đối phó với chính sách kiểm duyệt, bởi đa số các nền tảng hiện nay đều kiểm duyệt bằng trí tuệ nhân tạo AI.

Còn với các tài khoản cá nhân thực hiện thử thách trực tuyến, chiêu thức được nhiều người áp dụng là mua tài khoản mạng xã hội ở nước ngoài. Các trang web rao bán tài khoản công khai, số lượng nào cũng có. Chiêu thức này xuất phát từ việc lỗ hổng mỗi quốc gia có chính sách kiểm duyệt khác nhau.

Nếu chỉ trông chờ vào các nền tảng thì không thể xóa bỏ triệt để các nội dung xấu độc trên mạng xã hội. Cơ quan quản lý đã ban hành các quy định pháp luật nhằm xây dựng một cộng đồng mạng văn minh. Nhưng các chính sách quy định thường có độ trễ so với tình hình thực tế. Đó là chưa kể các đối tượng luôn tìm mọi cách để lách luật.

Một thực tế là cho dù có đầy đủ quy định thì việc chấp hành cũng chưa hẳn đã nghiêm túc, như việc các phim ngắn chiếu mạng phản cảm vẫn đăng tải liên tục mỗi ngày, kèm theo tên tuổi, số điện thoại của người sản xuất nhưng không được xử lý. Rõ ràng, cơ quan quản lý cần mạnh tay hơn, quyết liệt hơn để hoàn thành chức trách của mình. Người dùng cũng cần báo cáo hoặc từ chối xem các nội dung xấu độc. Những hành động trách nhiệm từ nhiều phía sẽ giúp xây dựng môi trường mạng trong sạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước