Tết cổ truyền là dịp để nhắc nhớ về những giá trị truyền thống của dân tộc. Bằng cách giữ gìn, bảo tồn, phát huy và lan tỏa các phong tục truyền thống, chúng ta không chỉ làm cho Tết trở thành sự kiện quan trọng hơn mà còn góp phần xây dựng một tương lai, trong đó con cháu có thể tự hào và kế thừa. Đối với người trẻ, trong đó có cả trẻ em, Tết không chỉ là những ngày được nghỉ ngơi chơi đùa mà còn là cơ hội để các em khám phá các giá trị văn hóa phong tục tập quán. Những năm gần đây, nhiều trường tiểu học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động đón Tết sớm cho các em học sinh. Ở đó, nhiều hoạt động trải nghiệm như gói bánh chưng, chơi trò chơi dân gian, tham gia vào các nghi thức dân gian đã giúp các em hiểu hơn về Tết cổ truyền, đồng thời lan tỏa lòng yêu nước, yêu văn hóa Việt.
Dù thời xưa hay thời nay, cuộc sống có thể có nhiều đổi thay nhưng không khí, không gian Tết và cảm nhận trước Tết vẫn rất đặc biệt. Tái hiện không gian Tết xưa là hoạt động ý nghĩa được nhiều trường học thực hiện, giúp các em học sinh, sinh viên hiểu hơn về nét đẹp Tết và ông bà, cha mẹ vẫn gìn giữ bấy lâu. Cảm nhận không khí Tết xưa, thời ông bà, cha mẹ vẫn còn nghèo khó để thêm trân trọng cuộc sống hôm nay.
Một trong những ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết là sự sum họp gia đình, Với nhịp sống hối hả, bận rộn, có lẽ những ngày Tết cổ truyền mới là dịp mọi người thảnh thơi, quây quần bên gia đình và gìn giữ nét phong tục tập quán truyền thống của dân tộc. Qua những khoảnh khắc này, các em nhỏ có thể cảm nhận giá trị thiêng liêng của tình thân, sự gắn bó của các thành viên trong gia đình. Hiểu được giá trị của ngày Tết còn giúp các em trân trọng văn hóa dân tộc, biết yêu thương ông bà, cha mẹ và ý thức trách nhiệm với gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!