Nghệ sĩ đường phố không phải là một khái niệm mới lạ trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, cụm từ này chỉ trở nên quen thuộc trong vài năm trở lại đây. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nghệ sĩ với cây đàn guitar, với sáo và trống ở đâu đó trên những con phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) hay phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội). Những con người ấy dường như đã trở thành một nét đẹp, một góc thân quen không thể thiếu trên những đoạn đường này.
Cùng là âm nhạc, nhưng âm nhạc đường phố và âm nhạc của những người nghệ sĩ chuyên nghiệp lại mang màu sắc chẳng giống nhau. Những con người coi âm nhạc là niềm vui, là một phần thanh âm của cuộc sống sẽ có cái nhìn khác với quan điểm của người nghệ sĩ lấy âm nhạc làm nghề. Các tác phẩm của ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp không chỉ mang nét riêng của họ mà còn phải có tính đại chúng. Suy cho cùng, khi âm nhạc là nghề, họ buộc phải chiều lòng người nghe. Nghệ sĩ đường phố thì khác, họ tự do và phóng khoáng, họ thể hiện cái tôi của mình mà chẳng cần lo đến ánh nhìn của người đời. Bởi vậy, những màn trình diễn của họ có thể không hoàn hảo, nhưng chắc chắn có sức hút lạ kì.
Tại một góc phố đi bộ Tràng Tiền (Hà Nội), một nhóm nghệ sĩ trẻ vẫn tập hợp cùng nhau tạo nên những màn biểu diễn tuyệt vời. Dù hát những ca khúc theo yêu cầu của người nghe, dù ngân nga những ca từ tự sáng tác, những người nghệ sĩ đường phố ấy vẫn không quên gửi vào bài hát bản ngã của riêng mình. Bởi thế mà nét nhạc của họ cũng mang âm hưởng khác, một nét nhạc mang tên người nghệ sĩ. Có những người con Hà Thành như Minh Đinh, với giai điệu như vương vấn hương hoa sữa tháng 10, như nhớ thêm những đợt gió mùa se lạnh. Cũng có những nàng thơ như Vũ Thanh Vân, nơi âm nhạc ẩn mình sau nỗi niềm không tên, lắng đọng và da diết. Tất cả những nét cá tính ấy đều là một mảng màu của âm nhạc đường phố nơi phồn hoa đô thị.
Chẳng ai biết từ bao giờ những con phố dần trở thành sân khấu và âm nhạc bỗng trở thành chìa khóa để thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ trẻ. Nói về địa điểm biểu diễn đặc biệt này, Minh Đinh tâm sự: "Không đơn thuần chỉ phục vụ người nghe, những nghệ sĩ đường phố như tôi còn muốn thỏa mãn niềm đam mê của bản thân. Dù chỉ là một con phố nhỏ, tôi vẫn hoàn toàn tự do với góc trời âm nhạc của riêng mình".
Nghệ sĩ đường phố Minh Đinh
Để đứng trên một sân khấu lớn, nơi hàng trăm, hàng ngàn khán giả hướng mắt về phía mình, một người nghệ sĩ chuyên nghiệp cùng êkip phải mất nhiều ngày chuẩn bị cho một màn trình diễn hoàn hảo nhất. Nhưng những người nghệ sĩ đường phố thì khác, chỉ với một cây đàn, họ sẵn sàng bước xuống đường và hát vang khúc nhạc tự tôn của mình. "Chẳng có một đề tài cụ thể nào khi hát tại sân khấu đường phố, đôi khi tôi hát về chuyện tình, có lúc lại là hòa bình thế giới. Tôi nhận ra rằng, cảm giác khi được ngân nga những gì mình thích mà chẳng cần bận tâm liệu có ai dừng chân lắng nghe là một cảm giác rất thú vị", Kim – một nghệ sĩ đường phố tại Hà Nội – chia sẻ.
Có lẽ bởi thế mà âm nhạc đường phố chẳng những mang âm hưởng của sự tự do mà còn là những thanh âm mộc mạc của tuổi trẻ. Tôi tin rằng, những con người bắt đầu từ âm nhạc đường phố cũng sẽ trưởng thành cùng chính nét âm nhạc ấy.
Còn gì thú vị hơn một tác phẩm phóng khoáng, phong lưu nhưng vẫn dễ dàng lôi cuốn người nghe ngân nga theo từng khúc nhạc. Tôi ngờ rằng đây chính là điểm thu hút nhất của âm nhạc đường phố, nơi lòng kiêu hãnh và cái tôi được san sẻ cho cả cộng đồng. Suy cho cùng, âm nhạc không thuộc quyền sở hữu của riêng ai, dù là nhạc sĩ chuyên nghiệp hay nghệ sĩ đường phố chắc hẳn đều mong tác phẩm của mình chạm tới trái tim những con người yêu nhạc.
Thế nhưng, có lẽ chẳng bảng xếp hạng nào đủ công bằng để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, như Minh Đinh khẳng định "Những ca khúc là tiếng nói của tuổi trẻ, là sức ảnh hưởng mạnh mẽ đâu cần thiết phải chứng tỏ vị thế bằng bất kì một bảng xếp hạng nào".
Âm nhạc đường phố chạm tới trái tim của tất cả mọi người.
Không cần sân khấu hoành tráng, chẳng cần ánh đèn nổi bật, những con người đam mê âm nhạc vẫn tỏa sáng với giọng hát và giai điệu kiêu hãnh của riêng mình trên từng con phố. Không cần khán đài, khán giả vẫn dừng chân, lặng nghe những ca khúc từ người nghệ sĩ, thậm chí, họ còn ngồi thành vòng tròn và tạo nên một cõi riêng của họ mang tên âm nhạc.
Tôi tin rằng, ở cõi nhạc ấy, mỗi người nghe đều đã trốn chạy khỏi những bận bịu thường ngày, đã thoát khỏi những bộn bề của cuộc sống để một lần đắm chìm trong sự bình yên của âm nhạc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!