Trong quá trình kỳ công thực hiện chương trình Ký ức Việt Nam, nhà báo Lê Quang Minh và những người thực hiện đã đón nhận những phản hồi tích cực và những cảm xúc rất đáng trân trọng từ khán giả. Thậm chí, từ khi chương trình chưa chính thức lên sóng, khi Ban Thời sự mới chỉ phát một đoạn trailer, một khán giả đã gọi điện tới chương trình và điều đó khiến nhà báo Quang Minh thật sự xúc động.
‘ Cảnh chợ hoa Hàng Lược ngày Tết năm 1973 trong chương trình Ký ức Việt Nam
“Trong một phóng sự ngắn khoảng 3 phút mà chúng tôi phát sóng dịp Tết Nguyên Đán vừa qua được lấy từ kho phim màu này, chúng tôi đã nhận được cuộc điện thoại từ một khán giả, tôi đoán khoảng chừng 50, 60 tuổi. Cô nói rằng đã nhìn thấy mình trong cảnh Tổng Bí thư Lê Duẩn đi thăm chợ hoa Hàng Lược ngày Tết năm 1973 - cái Tết đặc biệt sau Hiệp định Paris. Và đó là sự động viên tinh thần lớn với những người thực hiện chương trình để có niềm đam mê, sáng tạo trong việc đưa những thước phim tiếp cận với công chúng”, nhà báo Lê Quang Minh - Trưởng phòng Các vấn đề thời sự, Ban Thời sự, Đài THVN chia sẻ.
Giá trị cốt lõi của những thước phim “Ký ức Việt Nam”
Nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả sau những tập đầu tiên phát sóng, nhà báo Quang Minh khẳng định, giá trị của những thước phim mang ý nghĩa tinh thần rất lớn, để lại cảm xúc không thể phai nhòa với những người đã sống, đã tham gia cuộc chiến thời đó. Những nét mặt được khắc họa bằng màu sắc chân thực, tiếng động nền hay tiếng phỏng vấn còn khá rõ nét và sinh động... tất cả mang lại cảm xúc dâng trào với những người đã đi qua giai đoạn 1964-1981.
Nói về giá trị của những thước phim quý giá trên, nhà báo Quang Minh cho biết, những hình ảnh về miền Bắc Việt Nam là rất hiếm. Để có được hơn 1.500 phóng sự ngắn mà Đài THVN đang sở hữu, các phóng viên phương Tây đã phải liên tục ghi hình trong nhiều năm. Ở thời điểm đó, họ là những người làm phim duy nhất được phép tiếp cận và đặt văn phòng đại diện tại miền Bắc. Họ quay các hình ảnh về quân và dân miền Bắc tham gia cuộc chiến tranh như thế nào, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ra sao. Với tinh thần quyết tâm cao, với sự chuẩn bị kỹ càng như thế, Việt Nam không thể thất bại.
‘ Nhà báo Lê Quang Minh - Trưởng phòng Các vấn đề thời sự, Ban Thời sự, Đài THVN chia sẻ với VTV News về chương trình Ký ức Việt Nam
Những thước phim có giá trị rất lớn về mặt quốc tế giai đoạn đó bởi các hãng thông tấn nước ngoài, đặc biệt là Mỹ cần những hình ảnh ở miền Bắc này. Những hình ảnh chân thực ấy là minh chứng rõ nét khẳng định chiến tranh là phi nghĩa dẫn tới tác động dư luận quốc tế. Người dân Mỹ có thể nhận ra chiến tranh là vô nghĩa. Và phong trào phản chiến lên cao trên khắp thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Nhà báo Quang Minh chia sẻ khi tham gia thực hiện chương trình: “Trong kho phim có cảnh chiếc máy bay B52 đầu tiên rơi xuống Hà Nội trong cuộc chiến 12 ngày đêm. Nhà quay phim đã zoom vào chữ “Yokohama” xuất hiện trên xác chiếc máy bay ấy, có nghĩa là chiếc B52 đã xuất phát từ căn cứ quân sự của Mỹ ở Yokohama (Nhật Bản). Điều đó đã tạo ra sự phẫn nộ khi người dân Nhật Bản thấy rằng Mỹ đã lấy Yokohama của họ là bàn đạp để tấn công Việt Nam. Bởi Nhật Bản từng hứng chịu tổn thất nặng nề về chiến tranh khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống đất nước họ mà giờ đây, Nhật Bản lại trở thành căn cứ để Mỹ tấn công phi nghĩa một quốc gia khác”.
Sự xuất hiện của người dẫn chuyện
Trong những tập đầu phát sóng, khán giả có thể nhận thấy sự xuất hiện của những nhân vật kể chuyện. Giải thích về cách xây dựng chương trình này, nhà báo Lê Quang Minh chia sẻ: “Khi đưa ra một thước phim tư liệu, thì rất khó, kể cả với những người trong cuộc, những người đã sống trong giai đoạn đó, cũng không thể hình dung hay có được một sự liên tưởng kịp thời trong vòng mấy giây để định hình đây là gì. Như thế, để người xem hiểu, cần phải có người dẫn chuyện. Họ là những người kể chuyện tuyệt vời vì họ được xem lại những thước phim đó và họ hồi tưởng. Và qua quá trình hồi tưởng của nhân vật, khán giả cũng sẽ được sống lại thời kỳ đó.
Chúng ta đang nói về lịch sử, những câu chuyện cách đây 40 năm. Nó không rõ ràng như cách đây 1, 2 năm. Chúng tôi ý thức được rất rõ về tính chính xác, giá trị về mặt tư liệu, về mặt lịch sử. Vì vậy, chúng tôi đã mời đội ngũ cố vấn rất hùng hậu để thực hiện chương trình này”.
‘ Nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến là một trong số những cố vấn của chương trình, cũng tham gia trong vai người dẫn chuyện
Tiết lộ về đội ngũ cố vấn đã cộng tác thực hiện chương trình Ký ức Việt Nam với Ban Thời sự, nhà báo Quang Minh cho biết, đó là những người không chỉ giỏi về chuyên môn truyền hình mà còn là những người đã sống tại Hà Nội vào thời điểm đó. “NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân; NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn; nhà báo, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến; nhà văn Nguyễn Việt Hà... đó là đội ngũ cố vấn sẽ theo sát chúng tôi trong suốt chương trình”, nhà báo Quang Minh cho hay.
Với format 5 phút ngắn gọn và súc tích, lối dẫn chuyện sinh động của các nhân vật, sự tham gia của đội ngũ cố vấn hùng hậu và hơn hết là giá trị lớn lao ẩn chứa trong mỗi thước phim, chương trình Ký ức Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm hẹn cho những người yêu thích lịch sử, những người muốn tìm lại cảm xúc của mình cách đây 40 năm. Với những người thực hiện của Ban Thời sự – những người thuộc thế hệ trẻ chưa từng trải qua giai đoạn hoa lửa năm 1964-1981, sự quan tâm, dõi theo của khán giả luôn là nguồn động viên lớn để ê-kíp có thêm niềm đam mê, sáng tạo trong việc đưa những thước phim tiếp cận với khán giả cả nước.
Chương trình Ký ức Việt Nam đang phát sóng vào lúc 21h50 trên kênh VTV1 từ thứ 2 đến thứ 5 và 11h50 trên kênh VTV3 từ thứ 3 đến thứ 6 hàng tuần. Mời quý vị và các bạn đón xem!