Kỳ công xây dựng chương trình “Ký ức Việt Nam”

T.K-Thứ ba, ngày 20/08/2013 06:00 GMT+7

 Để làm nên chương trình mới “Ký ức Việt Nam” hứa hẹn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, Đài THVN đã dày công sức xây dựng từ phần lớn cuộn phim gốc không có âm thanh.

May mắn tìm được kho phim quý giá, gian nan đưa những thước phim màu về nước, công việc của những người nung nấu thực hiện chương trình “Ký ức Việt Nam” để gửi món quà ý nghĩa tới khán giả xem truyền hình vẫn chưa dừng lại ở đó.

Kỳ công chuyển toàn bộ 1.510 phóng sự truyền hình từ dạng phim nhựa sang phim số, theo dõi toàn bộ nội dung, những người đã thực hiện phải thừa nhận đây là một trong những công việc tỉ mỉ và thủ công nhất từ trước tới giờ.

Giữ nguyên những thước phim gốc và chỉ biên tập lại dựa trên những ghi chú chi tiết về mỗi cuộn băng bên phía Nhật Bản cung cấp, Ban Thời sự - Đài THVN đã khắc họa rõ nét những lát cắt về cuộc sống người dân Việt Nam thời đó. Xen kẽ giữa việc khai thác những hình ảnh quý này, những người thực hiện đã ghi hình và phỏng vấn những nhân vật liên quan ở thời điểm hiện tại.

‘ 1.510 phóng sự truyền hình được chuyển từ dạng phim nhựa sang phim số để phát sóng

Nhưng việc tìm ra những nhân vật xuất hiện trong phim không phải là chuyện đơn giản mà đó thực sự là khối lượng công việc khổng lồ và vô cùng gian nan. Bởi chỉ từ những khuôn mặt ấy, những người thực hiện đã cùng với những cố vấn của chương trình, bạn bè, đồng nghiệp lần tìm từng đầu mối để mời nhân vật tham gia chương trình.

Như phóng viên Xuân Tùng từng chia sẻ, việc tìm nhân chứng, nhân vật xuất hiện trong chương trình là nỗ lực không biết mệt mỏi của Ban Thời sự: “Việc tìm nhân chứng mới là kinh hoàng. Dự kiến năm đầu sản xuất 208 tập, thì số nhân chứng cần tìm sẽ gấp nhiều lần con số đó. Phải tìm những người đã từng sống vào thời điểm từ 1964 đến 1981, có người già chẳng còn kể được, có người biết nhưng không tường tận. Chúng tôi phải nhờ đến các nhà cố vấn, tướng lĩnh quân đội, huy động bạn bè, người quen...”.

Và cũng chính những lời kể chân thực của các nhân vật và lời bình truyền cảm đã khiến những thước phim vốn không có âm thanh trở nên gần gũi và khiến khán giả dễ tiếp cận hơn.

‘ Nhà báo Lê Quang Minh – Trưởng phòng Các vấn đề thời sự, Ban Thời sự, Đài THVN (bên phải)


“Khi đưa ra một thước phim tư liệu, kể cả những người trong cuộc - những người đã sống trong giai đoạn đó - cũng không thể hình dung được một sự liên tưởng kịp thời trong vòng mấy giây để định hình đây là gì. Mà cần phải có người dẫn chuyện. Họ là những người kể chuyện tuyệt vời vì họ được xem lại những thước phim đó và họ hồi tưởng. Và qua quá trình hồi tưởng của nhân vật thì khán giả cũng sẽ được sống lại thời kỳ đó.

Chúng ta đang nói về lịch sử. Nó không rõ ràng như cách đây 1, 2 năm. Vì vậy chúng tôi ý thức được rất rõ về tính chính xác, giá trị về mặt tư liệu, về mặt lịch sử. Vì vậy, chúng tôi đã mời đội ngũ cố vấn rất hùng hậu để thực hiện chương trình này”, nhà báo Lê Quang Minh – Trưởng phòng Các vấn đề thời sự, Ban Thời sự, Đài THVN nói.

Như đã đề cập, hơn 6.000 phút phim gốc không có âm thanh bởi làm phim nhựa thường thu đường tiếng riêng và ghép lại sau. Và để bộ phim sinh động và chân thực hơn, những người thực hiện giữ mối liên hệ thường xuyên với Nihon Dempa News (NDN) để lấy thêm tiếng hiện trường. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, công việc viết lời bình cũng là một trong những khâu hết sức quan trọng để làm nên chương trình “Ký ức Việt Nam” hoàn chỉnh với cả phần hình ảnh và âm thanh. Cùng với đó, việc lựa chọn giọng đọc phù hợp cũng là một trong những vấn đề được Ban Thời sự hết sức lưu ý.

Là hãng truyền hình lưu giữ những thước phim quý báu về Việt Nam những năm 1964-1981 trước khi chuyển lại cho Đài THVN, Hãng truyền hình NDN đánh giá cao những nỗ lực của những người thực hiện chương trình “ Ký ức Việt Nam”.

Chủ tịch Hãng truyền hình Nihon Dempa News, ông Misao Ishigaki, nguyên là phóng viên thường trú tại Việt Nam (1972-1984) cho biết: “Tôi đặt hoàn toàn niềm tin tưởng của mình vào những người biên tập trẻ tuổi xuất sắc của các bạn. Bản thân tôi cũng tin rằng cách dựng những tập phim này là hoàn toàn chính xác, mang tới hiệu quả. Người ta sẽ có sự so sánh. Chiến tranh thì không quên được còn thế hệ trẻ cũng hiểu về chiến tranh”.

“Một thành phố không phải là chiến trường của cuộc chiến tranh nhưng thành phố đang nằm trong tình trạng chiến tranh, nguy hiểm bất cứ lúc nào. Đấy là cái cảnh của đường phố Hà Nội lúc bấy giờ. Tôi nghĩ rằng, hình ảnh đối với thanh niên, thế hệ trẻ hiện nay không thể tưởng tượng được tại sao”, ông cho biết thêm.

Với những nỗ lực trong suốt thời gian qua, Ban Thời sự - Đài THVN cũng tin tưởng rằng “Ký ức Việt Nam” sẽ là món quà đặc biệt và ý nghĩa cho khán giả VTV. “Tôi hi vọng rằng, đây sẽ là điểm hẹn cho những người yêu thích lịch sử, những người đã từng sống trong giai đoạn đó, những người muốn tìm lại cảm xúc của mình cách đây 40 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa”, nhà báo Lê Quang Minh – Trưởng phòng Các vấn đề thời sự, Ban Thời sự, Đài THVN khẳng định.

Chương trình “Ký ức Việt Nam” phát sóng trên kênh VTV1 vào 21h50 trên kênh VTV1 từ thứ 2 đến thứ 5 và 11h50 trên kênh VTV3 từ thứ 3 đến thứ 6, bắt đầu từ ngày 19/8. Mời qu‎ý vị và các bạn chú ‎ý đón xem!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước