“Ký ức Việt Nam” là chương trình mới do Đài THVN dày công xây dựng từ 1.510 phóng sự truyền hình (hơn 6.000 phút phim tài liệu) về Việt Nam những năm 1964-1981 được telecin (chuyển sang phim số) từ chất liệu phim nhựa 16mm mua lại của Hãng truyền hình Nihon Dempa News (Nhật Bản). Đây là những thước phim màu duy nhất và vô giá về Hà Nội nói riêng và miền Bắc Việt Nam nói chung trong giai đoạn lịch sử đặc biệt khi cả nước sống, sản xuất, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.
Nhắc tới giai đoạn lịch sử của thời kỳ hoa lửa ấy, phần đông khán giả chờ đợi là những người đã từng trải qua những năm tháng hào hùng của lịch sử gần hai thập kỷ 1964-1981. Trong phim, rất có thể chúng ta sẽ gặp lại những người đồng đội, đồng chí, những người thân… qua những thước phim màu được nước bạn lưu giữ cẩn thận nên chất lượng vẫn còn rất tốt.
‘ Khu tập thể Trung Tự - Hà Nội thời điểm sắp khánh thành
Những người đã từng sống trong giai đoạn này không thể không bồi hồi nhớ lại cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng vô cùng gần gũi, đùm bọc, giàu tinh thần sẻ chia. Hồi tưởng lại ký ức, ông Nguyễn Trọng Nho, một người dân ở khu tập thể Trung Tự - Hà Nội từng sống và làm việc hơn 40 năm ở “khu nhà mơ ước” thời đó chia sẻ: “Ngày ấy quan hệ thân mật lắm. Không có ranh giới giữa các nhà ở khu tập thể này. Hành lang thông suốt, không có cửa ngăn, xe đạp để ngoài hành lang, quần áo phơi ở ban công không phải trông”.
Đó là thời kỳ những khu tập thể là niềm mơ ước và là giấc mơ thực sự với người dân. Trên nền đất ruộng và ao rau muống, những khu nhà khang trang mọc lên. Sống ở khu tập thể thời đó nhiều cái vui nhưng lắm lúc cũng bất tiện. Khu tập thể là nơi hàng xóm khóc, nhà mình mất ngủ; nhà nào chặt thịt gà, cả dãy nhà nghe thấy… Nhưng đó là những ký ức không bao giờ phai, khác hẳn với những khu chung cư cao cấp, hiện đại như Hà Nội bây giờ. Và đó cũng là một trong những câu chuyện sẽ xuất hiện trong chương trình, giống như những câu chuyện về một hiệu ảnh lâu đời gần Bờ Hồ vẫn tồn tại tới ngày nay, về chợ hoa Hàng lược, Hà Nội…
‘ Chợ hoa Hàng lược dịp sát Tết Nguyên Đán năm 1973
Cũng trong chương trình, ngoài những lát cắt về cuộc sống, thế hệ trẻ còn có dịp trở lại khung cảnh Hà Nội của những năm 60, 70 của thế kỷ trước – một điều mà không phải ai cũng có cơ hội xem một cách sinh động và trực quan tới vậy. Đối với thế hệ 8x, 9x, những góc phố Hà Nội ngày nào được tái hiện, quang cảnh của một Hà Nội xưa cũ dần hiển hiện.
Độc giả Phạm Tiến Đạt ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ với VTV News: “Chúng mình là thế hệ 8x, sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chuyển giao giữa thời bao cấp và kinh tế thị trường. Những biến đổi của Hà Nội mà hồi đấy mình còn quá bé để hiểu hết hoặc chỉ nghe láng máng qua lời kể của cha mẹ, thầy cô. Sắp tới, hi vọng thế hệ chúng mình có dịp xem lại những hình ảnh Hà Nội ngày xưa về cuộc sống, về những con phố, những phương tiện, đồ đạc thời ấy qua những đoạn phim màu đầy chân thực. Qua đó, chắc hẳn chúng mình sẽ có dịp hiểu hơn về cuộc sống thế hệ trước, đối chiếu với hiện tại và để thêm yêu Hà Nội, quê hương của mình hơn”.
‘ Quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, gần Bờ Hồ thời vẫn còn tàu điện
Trong khi đó, độc giả Nguyễn Thu Hương lại kỳ vọng: “Hà Nội ngày xưa thật nhỏ, cuộc sống thật bình dị và đầy tình người. Xem qua trailer phát trên VTV hay những bài viết về chương trình Ký ức Việt Nam trên VTV.vn, tôi hình dung ra một Hà Nội đời thường và có dịp so sánh với những gì tôi biết trước đây. Nhìn góc phố Tràng Tiền – Hàng Bài vẫn không có gì thay đổi, quảng trường Đông kinh Nghĩa thục cũng vẫn thế, chỉ khác là không có tàu điện. Nhưng ở những khu vực xa hơn như quận Đống Đa, Hai Bà Trưng hay Cầu Giấy nhà mình bây giờ thì quả thực không còn nhận ra”.
Không chỉ với những người trung tuổi từng trải qua giai đoạn khó phai ấy, thế hệ trẻ cũng rất háo hức được xem lại cuộc sống của cha, ông như thế nào, điều mà trước đây tất cả chỉ được biết qua những lời kể hay những hình ảnh đen trắng. Những câu chuyện đời thường dung dị cứ lần lượt được kể qua mỗi tập phim 5 phút của chương trình gợi nhớ một cách ngắn gọn, súc tích giai đoạn lịch sử của nước nhà.
“Format 5 phút là cách tiếp cận dễ dàng nhất đối với người xem. Vì khi chúng ta đưa hình ảnh của cuộc sống ở miền Bắc trong giai đoạn 1964-1981 thì lát cắt có những nhân vật, có những câu chuyện, những phóng sự rất đời thường. Khi xem chúng ta sẽ cảm thấy rất thú vị vì sau 40 năm thì mọi chuyện bây giờ rất là khác”, nhà báo Lê Quang Minh – Trưởng phòng Các vấn đề thời sự, Ban Thời sự, Đài THVN cho biết.
"Ký ức Việt Nam" được phát sóng trên kênh VTV1 vào 21h50 trên kênh VTV1 từ thứ 2 đến thứ 5 và 11h50 trên kênh VTV3 từ thứ 3 đến thứ 6, bắt đầu từ ngày 19/8. Mời quý vị và các bạn chú ý đón xem!