Xung quanh trạm cân lưu động: Nên xem xét lại cách tính trọng tải trục?

Duy Cường-Thứ hai, ngày 28/04/2014 11:00 GMT+7

Sau gần một tháng thực hiện, cách tính trọng tải tại các trạm cân lưu động hiện nay đang khiến cho các doanh nghiệp vận tải hết sức bức xúc.

Theo họ, quy định tải trọng cho phép phương tiện tham gia giao thông của cơ quan đăng kiểm thấp hơn với tải trọng thiết kế đã được đăng ký.

Ảnh: VTV Online

Hiện nay, một việc khó nhất mà các đơn vị vận tải gặp phải là tìm loại xe phù hợp với trọng lượng hàng hóa. Theo quy chuẩn quốc tế, các loại hàng hóa về đến Việt Nam đều có trọng lượng trung bình 30 tấn/container. Tuy nhiên, các xe rơ mooc loại 2 hoặc 3 trục đang lưu hành thông dụng hiện nay chỉ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép chở 16-24 tấn. Nhưng theo đăng ký tiêu chuẩn của nhà sản xuất, những chiếc xe này chở được 30-35 tấn.

Việc quy định trọng tải cho phép của Cục Đăng kiểm thấp hơn so với tải trọng thiết kế của nhà sản xuất, đang khiến cho số lượng container lại được xếp cao dần lên mỗi ngày. Trong khi, các xe tải đầu kéo lại nằm dài trong cảnh chờ đợi.

Điều đáng nói là tải trọng cho phép tham gia giao thông của cơ quan Đăng kiểm cũng bất cập. Cùng một loại xe, số lượng trục và thông số kỹ thuật giống nhau, nhưng tải trọng cho phép tại mỗi thời điểm đăng ký phương tiện lại khác nhau với mức chênh lệch lớn. Ví dụ cùng loại xe rơ mooc 6 trục nhưng xe đăng ký năm 1997 có tổng tải trọng cho phép lưu hành lên đến 49,5 tấn, trong khi đó xe tương tự như vậy đăng ký năm 2011 lại chỉ còn 35,5 tấn và đăng ký 2014 là 39,5 tấn.

Không chỉ phương tiện chưa phù hợp với quy chuẩn quốc tế, mà cách tính trọng tải trên đầu trục hiện nay đang khiến các doanh nghiệp vận tải cho rằng bất hợp lý. Vì nó có thể khiến cho những xe chở thấp trọng tải quy định vẫn vi phạm về vượt quá trọng tải.

Nguyên nhân là do việc xắp xếp hàng hóa đặt trên xe không thể dàn đều trọng lượng trên mỗi trục theo đúng quy định. Nhất là đối với loại hàng hóa là các loại thiết bị máy móc tổng thành. Do đó, trọng tải có thể nhẹ ở trục này nhưng lại quá tải ở trục khác. Mặc dù, nếu cân tổng trọng tải của hàng và xe thì vẫn nằm trong giới hạn quy định.

Ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Hải Phòng bày tỏ: “Khi cân đầu trục lên, hầu hết các phương tiện đều vi phạm và bị xử lý nên các xe không dám vận chuyển. Chúng tôi mong muốn nhà nước không tính tải trọng trên đầu trục mà tính tổng trọng tải để có giải pháp chuyên chở hàng hóa…”

Ngày 24/4 vừa qua, qua công tác khảo sát, Bộ GTVT cũng đã xác nhận vấn đề bất cập trong cách tính cân trọng tải trục. Để giảm bất lợi cho lái xe và doanh nghiệp vận tải, Bộ đã yêu cầu Cục đăng kiểm Việt Nam nhanh chóng rà soát lại toàn bộ giấy đăng kiểm xe ô tô kinh doanh vận tải theo hướng cho phép tải trọng lưu hành ở mức tối đa. Thời gian hoàn thành toàn bộ công tác này sẽ chậm nhất vào đầu tháng 6 năm 2014.

Quý vị có thể theo dõi nội dung chi tiết trên qua phóng sự dưới đây. Phóng sự được thực hiện tại cảng Hải Phòng!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước