Đàn Xã Tắc được coi là một trong những di tích quan trọng bậc nhất của Thăng Long xưa. Sau hơn 200 năm mất dấu, tình cờ đàn Xã Tắc đã được tìm thấy vào tháng 11/2006 khi thi công đường vành đai 1 và sau đó đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hiện nay, các nhà sử học đang nghiêng về ý kiến bảo tồn (nghĩa là tránh ảnh hưởng nhất tới di tích quan trọng này), trong khi đó theo các ý kiến chuyên môn thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, việc xây dựng dường như là tất yếu. Một lần nữa Chính quyền thành phố lại phải đứng trước sự lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển.
Dưới góc độ khảo cổ và sử học, sự kiện phát hiện dấu tích của đàn Xã Tắc thời hậu Lê, vào năm 2006 là vô cùng quan trọng. Công việc khảo cổ và mở rộng nghiên cứu tạm khép lại từ năm 2006 bởi nhiều điều kiện khách quan.
Tranh luận bùng phát trở lại khi vào tháng 3 vừa qua, Thành phố Hà Nội đưa ra phương án xây dựng cầu vượt tại khu vực này. Theo phương án thiết kế, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn đàn Xã Tắc. Gần như ngay lập tức, các nhà sử học đã lên tiếng với phương án được đưa ra.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: "Làm cầu vượt phần nào đó là giải pháp đỡ đụng chạm nhất tới mặt đất, dẫu sao nó còn có những mố cầu ăn sâu vào lòng đất thì phải tiến hành khảo cổ học trước khi xây dựng. Thứ hai là vượt qua cầu có tạo ra sự phản cảm là không tôn trọng không gian tâm linh hay không, theo tôi cái này phải bàn rất cụ thể. Cáp treo Yên Tử cũng đã gây ra những tranh luận rất gay gắt. Làm để phục vụ dân sinh là cần, nhưng làm như thế nào, muốn làm thế nào thì phải bàn, phải tranh thủ ý kiến của các nhà chuyên môn, tạo ra sự đồng thuận xã hội, hạn chế những tác động tiêu cực”.
Với quan điểm ngược lại, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã gửi công văn lên UBND TP.Hà Nội đề nghị sớm khởi công cầu vượt để giải quyết ách tắc giao thông. Quan điểm chung của Hiệp hội là nếu không khởi công cầu vượt qua đàn Xã Tắc thì sẽ tắc Xã Đàn.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói: "Lịch sử không thể quay trở lại được, chúng ta phải tôn trọng lịch sử và phải bảo vệ những di tích nào đã có, nhưng phải chắc chắn là có tài liệu, hồ sơ hiện vật thì chúng ta mới khẳng định, chứ bây giờ khẳng định dưới mặt đất này toàn là di tích lịch sử thì không có cơ sở khoa học và pháp lý. Chúng ta ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời phát hiện đến đâu thì xử lý đến đấy, còn nếu đợi khai quật xong thì chưa biết đến khi nào mới cải thiện được đời sống nhân dân Thủ đô".
Hiệp hội Vận tải cũng cho rằng, đàn Xã Tắc có thể là phế tích của một triều đại phong kiến đã bị phá hủy. Xóa bỏ đàn Xã Tắc cuối thời Lê là xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Ý kiến này ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà sử học.
Từ góc độ quản lý, ông Dương Trung Quốc nhận định, thiếu quy hoạch về khảo cổ học chính là nguyên nhân dẫn đến sự lúng túng mỗi khi chính quyền phát lộ được một khu di tích nào đó.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, nếu đàn Xã Tắc được phục dựng đầy đủ, có lẽ phải mất nửa diện tích quận Đống Đa. Dự kiến, Hà Nội sẽ sớm tổ chức một cuộc họp bàn với các nhà khoa học về vấn đề xây cầu vượt tại khu vực đàn Xã Tắc.
Mời quý vị xem Video chi tiết tại đây: