Kế hoạch hành động được xây dựng dựa trên 4 tình huống với phương pháp tiếp cận "Một sức khỏe", trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành thú y với các ngành khác như Y tế, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế nhằm triển khai các biện pháp toàn diện, hiệu quả nhất, đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Trong quá khứ, mới chỉ có một lần duy nhất Ban Chỉ đạo quốc gia lên kế hoạch khẩn cấp phòng chống cúm gia cầm, đó là vào năm 2005 khi cúm A/H5N1 đã có ở nước ta được gần 2 năm, tức là từ cuối 2003. Nhưng lần này, khi virus H7N9 chưa ghi nhận trên cả người và gia cầm thì kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp ngăn chặn dịch rõ ràng có sự chủ động hơn.
Virus cúm H5N1 gây bệnh lâm sàng trên gia cầm nên chúng ta dễ phát hiện khi gia cầm mắc bệnh. Nhưng virus cúm A/H7N9 hiện chưa gây bệnh trên gia cầm nên biện pháp duy nhất để phát hiện là phải xét nghiệm. Do vậy với chủng virus cúm A/H7N9 rất dễ khiến người dân chủ quan trong việc phòng chống.