Mưa to, lũ lớn khiến nhiều đoạn sông có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Đại đoàn kết
Tại tỉnh Quảng Ninh, công tác khắc phục hậu quả bão số 2 đang diễn ra rất khẩn trương. Đến thời điểm này, mọi hoạt động trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường. Trước đó, bão số 2 kèm mưa to và gió mạnh đã gây mất điện nhiều địa phương miền Đông của tỉnh như: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên. Ngay sau khi
bão tan, ngành Điện lực Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục sự cố.
Đến 17h ngày 19/7, điện đã có trở lại, riêng Thành phố Móng Cái, đến hôm nay chỉ còn khu vực xã đảo Vĩnh Thực chưa có điện do sóng lớn khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Sáng 20/7, lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bắt đầu rút.
Tại Lạng Sơn, đến sáng 20/7, lũ trên sông Kỳ Cùng đã vượt mức báo động 3. Mưa lớn và tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng đã khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đã có 3 người thiệt mạng, hàng chục căn nhà bị tốc mái, hàng nghìn m3 đất đá sạt lở tại Quốc lộ 1B và 4B. Tuyến giao cắt Quốc lộ 1B với đường 279 từ huyện Na Rì - Bắc Cạn sang Lạng Sơn bị ách tắc vì mưa lớn.
Tỉnh Lạng Sơn đã huy động hơn 10.000 người cùng phương tiện ứng phó với ngập lụt và sạt lở đất tại các vùng sung yếu, tập trung chủ yếu ở khu vực ven sông Kỳ Cùng để hỗ trợ, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại cho người dân ở khu vực này.
Tại Lai Châu: Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tại Bản Giao Chản, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ đã xảy ra hiện tượng sạt lở đất đá xuống một số hộ dân, trong đó vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà của gia đình ông Lý Chảo Xuân, bản Giao Chản, rất may không có thiệt hại về người.
Nhằm đảm bảo sinh mạng cũng như tài sản cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền, đoàn thể xã Bản Lang đã phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng Đồn Sin - Suối Hồ vận động các hộ dân ra khỏi vùng sạt, đồng thời di chuyển dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tại Đồng Tháp: Vào lúc này, sạt lở cũng đang diễn biến rất phức tạp và là vấn đề rất đáng lo ngại tại các tỉnh ĐBSCL trong đó có tỉnh Đồng Tháp. 33 xã, thuộc 9 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh đang bị sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 39 km, đe dọa gần 2.000 hộ dân.
Hiện chỉ có khoảng 420 hộ được hỗ trợ di dời ra khỏi vùng sạt lở, hơn 1.500 hộ vẫn đang chờ để được hỗ trợ. Khó khăn lớn nhất hiên nay của Đồng Tháp là thiếu kinh phí hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, bên cạnh đó việc quy hoạch các cụm, tuyến phục vụ tái định cư chưa phù hợp, không thuận lợi cho việc mưu sinh hàng ngày của bà con cũng là nguyên nhân khiến công tác di dời diễn ra chậm.