Đến cuối tháng 6/2014, tại Cà Mau, sạt lở đã làm sập hoàn toàn 38 căn nhà của bà con với tổng thiệt hại tài sản lên gần 7 tỷ đồng. Đây là một trong những địa phương tình hình sạt lở diễn biến phức tạp nhất vùng ĐBSCL.
Chứng kiến ngôi nhà mới xây dựng xong bị sụp đổ chưa đầy 48 giờ, anh Trần Thanh Tùng, ngụ tại thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển vừa tiếc nuối, vừa lo lắng, bởi sạt lở ngày càng bất ngờ và nguy hiểm.
Cách đây vài tuần tại khu vực này đã xảy ra vụ sạt lở làm thiệt hại 7 căn nhà của người dân. Dù biết nguy hiểm, nhưng bà con vẫn phải sống trong lo âu, thấp thỏm. Bởi nếu di dời thì họ không biết sẽ đi đâu?
Nguyên nhân bởi các công trình trọng điểm như xây dựng khu tái định cư, hệ thống đê bao, bờ kè chống sạt lở, chống ngập… của tỉnh chậm triển khai do thiếu vốn đầu tư. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, nguồn vốn cho các giải pháp công trình nói trên lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong khi ngân sách Trung ương và địa phương là có hạn nên rất khó thực hiện.
Hiện Cà Mau còn hàng ngàn hộ dân định cư ở khu vực ven sông. Đặc biệt, tỉnh có khoảng 80% chiều dài bờ biển Đông và biển Tây bị sạt lở, trong đó có gần 60 km sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, dự báo trong thời gian tới, ngoài tính mạng, tài sản của người dân bị đe dọa còn có hàng chục ngàn ha đất sản xuất tại các địa phương ven biển vùng ĐBSCL có khả năng đứng trước nguy cơ bị ngập.
Video sau đây sẽ phản ánh chi tiết tình trạng này: