Hiện trường vụ tai nạn máy bay Mi-171. (Ảnh: Dân trí)
Tin theo dòng sự kiện:
Chủ tịch nước đến thăm các chiến sỹ bị thương trong vụ máy bay rơi
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam tối 7/7 đã khẳng định nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là do trục trặc kỹ thuật và không có yếu tố phá hoại.
Diễn biến vụ việc:
- Khoảng 7h30 phút sáng ngày 7/7, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, Hà Nội.
- Đến khoảng 7h 46 phút cùng ngày, máy bay rơi tại địa phận thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay khoảng 3km và bốc cháy dữ dội. Phi công được cho là đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi máy bay rơi xuống đất.
Các chiến sĩ được xác nhận hy sinh, 5 người bị thương nặng được khẩn trương cấp cứu tại Bệnh viện 105, Sơn Tây và được chuyển lên Viện Bỏng Quốc gia chiều cùng ngày.
- 20h, ngày 7/7, 1 trong 5 chiến sĩ bị thương đã không qua khỏi... nâng số người thiệt mạng trong vụ tai nạn là 17 người.
- Đến sáng sớm ngày 8/7, thêm một chiến sỹ hy sinh. Con số các chiến sỹ hy sinh đã thành 18.
- Máy bay Mi-171 gặp nạn lần này là máy bay trực thăng đa nhiệm do Nga sản xuất, được đưa về Việt Nam từ năm 2005, có 9 năm hoạt động với nhiệm vụ cứu hộ và huấn luyện, vận tải. Khả năng chuyên chở của MI 171 là gần 30 người, 4 tấn hàng hóa. Đây là loại máy bay còn mới, hoạt động tốt trong nhiều điệu kiện khác nhau, đã từng tham gia hiệu quả hoạt động cứu hộ cứu nạn trong các đợt lũ lụt từ tại Việt Nam.
Mời các bạn theo dõi video chi tiết:
Nỗ lực cứu chữa các nạn nhân
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, 5 chiến sĩ bị thương nặng đã được sơ cấp cứu tại bệnh viện 105 Sơn Tây. Do bị bỏng và bị thương nặng do va đập, chiều 7/7, những người bị thương đã được chuyển lên Viện bỏng Quốc gia. Tại đây các chiến sĩ đã được đội ngũ y bác sĩ khẩn trương cấp cứu, điều trị.
Các nạn nhân đều trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương, đặc biệt có những người bị bỏng nặng tới 50 - 70%, suy hô hấp, hầu hết phải nằm trong phòng vô trùng và cho thở oxy. Các bác sĩ đã túc trực, theo dõi, chăm sóc các chiến sĩ gặp nạn trong suốt đêm.
Theo các bác sĩ, với các ca bỏng trong cháy nổ, nhất là xăng dầu thường bị thương tổn sâu, cần kiểm soát hô hấp, tránh nhiễm trùng, phát hiện xử lý các thương tổn do hít phải khí độc, đồng thời theo dõi điều trị các chấn thương khác. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cũng yêu cầu huy động các y, bác sỹ giỏi để khẩn trương cứu chữa cho các nạn nhân.