Trong tuần đầu tiên của năm mới, báo chí đã dành nhiều thời lượng để nói về một câu chuyện của năm cũ, đó là thu phí BOT. Câu chuyện này bắt đầu từ vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây.
Báo Thanh niên đưa ra tính toán, với số tiền thu được trong 1 ca làm việc là 3 tỷ đồng, với 3 ca một ngày, trạm này có thể thu tới 8 - 9 tỷ đồng chứ không phải là khoảng trên 3 tỷ đồng như báo cáo năm ngoái của Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị quản lý thu phí, vận hành dự án.
Dù đơn vị này cho rằng, nói như vậy là hiểu nhầm, hoàn toàn không có việc thu phí một đằng báo cáo một nẻo để trục lợi. Tuy nhiên, dư luận vẫn nghi ngờ vào sự minh bạch của hình thức thu phí kín mà đơn vị này sử dụng bởi năm 2015, cao tốc Nội Bài - Lào Cai từng bị phát hiện mất gần 140.000 vé thẻ, tới nay chưa làm rõ được bao nhiêu tiền của Nhà nước bị thất thoát. Thu phí thủ công gây ra nhiều nghi ngờ, vậy tại sao không chuyển sang thu phí tự động để các trạm thu phí có thể chứng minh được sự minh bạch của mình?
Tờ Lao động cho rằng thu phí không dừng là điều cấp bách nhưng vì lợi ích nhóm, một số nhà đầu tư BOT chưa thực sự phối hợp và thậm chí là đang cố tình trì hoãn việc triển khai. Thậm chí, trong đó có cả nhóm lợi ích cần kiểm toán và cơ quan công an vào cuộc.
Với vấn đề này, tờ Tuổi trẻ nhấn mạnh không còn cách nào khác là phải minh bạch trong đấu thầu, chọn thầu; áp dụng công nghệ trong thu phí. Đó chính là bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Công khai, minh bạch chính là nhằm bồi đắp lòng tin của nhân dân, khẳng định năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý, vận hành. Khi Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề này đã có thì dứt khoát phải được thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!