Với một số địa phương ở miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, nhu cầu cát cho xây dựng rất lớn. Việc tạm dừng các dự án nạo vét cát sỏi đang khiến cho nhiều công trình xây dựng cần đẩy nhanh tiến độ gặp khó khăn. Để đảm bảo cho hoạt động xây dựng và không thất thoát tài nguyên, vấn đề đặt ra lúc này là cần giải pháp hoặc cơ chế gì cho một số địa phương.
Dự án đường đấu nối cao tốc Tiền Phong - Bạch Đằng Hạ Long theo kế hoạch đến tháng 6/2018 sẽ phải hoàn thành. Tuy nhiên, theo đơn vị thi công, nguồn cát dùng để san nền trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện rất khan hiếm, đơn vị sẽ rất khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ. Giá cát san nền hiện tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2017.
Tỉnh Quảng Ninh hiện có một đơn vị chế tạo cát nhân tạo thành công từ tro xỉ nhưng các đơn vị thi công đường cho biết, khó có thể sử dụng nguồn cát này.
Trước thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh có 14 dự án nạo vét luồng, trong đó 4 dự án do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép, 10 dự án do tỉnh Quảng Ninh cấp phép. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, địa phương này đã yêu cầu tất cả các dự án nạo vét, tận thu cát tạm dừng gần 1 năm nay. Tuy nhiên, đối với các dự án nạo vét luồng do tỉnh Quảng Ninh cấp phép, việc tạm dừng dự án này không những khiến việc tàu thuyền đi lại ra đảo Minh Châu, Quan Lạn khó khăn mà vô tình khiến giá cát trong khu vực tăng cao.
Ước tính sơ bộ, Quảng Ninh cần khoảng gần 6 triệu m3 cát/năm để làm vật liệu xây dựng. Nhà máy cát nhân tạo trên địa bàn chỉ đáp ứng được 1/3 khối lượng cát. Như vậy, toàn tỉnh cần 4 triệu m3 cát, đặc biệt là cát san nền.
Cũng như Quảng Ninh, hiện nhu cầu cát phục vụ các công trình xây dựng ở các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương cũng ngày càng lớn do các địa phương đang triển khai nhiều công trình xây dựng.
Việc quản lý chặt các hoạt động khai thác cát, nạo vét luồng là cần thiết để đảm bảo theo đúng quy định pháp luật, tuy nhiên, cũng cần những cơ chế mở cho các địa phương với vị trí đặc thù như Quảng Ninh có các tuyến luồng phục vụ du lịch và việc khai thác, tận thu cát không ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân và tránh thất thoát tài nguyên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!