Lý do cơ bản khiến người dân xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia là do họ không được quyền sửa sang lại nhà cửa vốn đã xuống cấp qua hàng trăm năm tồn tại, trong khi chính quyền lại chưa có những chính sách tu bổ kịp thời.
‘ Chất lượng cuộc sống của người dân không được đảm bảo khi các ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: Internet)
Để giúp quý vị có thêm một góc nhìn về thực trạng này, phóng viên Gõ cửa ngày mới đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Toán, Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hà Giang.
PV: Xin bà Nguyễn Thị Toán cho biết, liên quan tới những ý kiến xung quanh việc chậm trễ trong tôn tạo phố cổ Đồng Văn, nguyên nhân của sự việc này là như thế nào, do vấn đề thẩm định dự án hay khúc mắc về kinh phí?
Bà Nguyễn Thị Toán: Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu Sở VH-TT&DL phải cung cấp thêm một số văn bản liên quan, đặc biệt là ý kiến cuối cùng của Bộ VH-TT&DL. Trên cơ sở đó cùng với những chỉnh sửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó Sở Kế hoạch đầu tư sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Khi UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi mới có cơ sở để trình lên Bộ VH-TT&DL để Bộ có kế hoạch vốn hàng năm trong chương trình mục tiêu quốc gia.
PV: Theo chúng tôi được biết, các ngôi nhà tại phố cổ Đồng Văn đã bị xuống cấp trước năm 2011, tại sao Sở VH-TT&DL không có những đề xuất và phê duyệt dự án dành cho phố cổ Đồng Văn.
Bà Nguyễn Thị Toán: Như tôi nói, Dự án bảo tồn phố cổ Đồng Văn chưa được phê duyệt thì chúng tôi cũng không có cơ sở để đầu tư, tu bổ, tôn tạo. Tuy nhiên, năm 2012, Bộ VH-TT&DL có ghi vào vốn kế hoạch cho một di tích khác là chùa Nậm Dồ 3 tỷ đồng. Nhưng về sau lại thay đổi hình thức đầu tư là không phải từ ngân sách nhà nước, mà do 1 doanh nghiệp tài trợ. Ý kiến của Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị chuyển một phần kinh phí đó cho việc tu bổ phố cổ Đồng Văn. Theo quy định, đến ngày 31/3/2013 nếu không có khối lượng và không có phần việc đã làm thì cũng không thể thanh toán được, vì vậy mà Sở Tài chính có yêu cầu, trước mắt dùng số tiền này để trả nợ cho các công trình chống xuống cấp di tích khác.
PV: Vậy, tại sao hàng năm, Sở Văn hóa lại không có ý kiến tham mưu để kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ cho người dân phố cổ Đồng Văn?
Bà Nguyễn Thị Toán: Về phí địa phương, kinh phí cũng còn khó khăn, đồng thời dự án đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm, khi chưa quyết liệt và chưa tích cực để tham mưu cho tỉnh có nguồn vốn tu bổ, tôn tạo.
Hiện tại, khi sự việc đã xảy ra, kiểm tra lại thì Sở VH-TT&DL cũng chưa có một văn bản nào xin tỉnh để cấp kinh phí bổ sung hoặc cấp ứng kinh phí để tu bổ cho bà con. Về phía ngành, chúng tôi cũng nhận thấy chúng tôi tham mưu chưa tới tầm.
PV: Theo nội dung của đề án đang xây dựng, nguồn kinh phí cho phố cổ Đồng Văn là khoảng 66 tỷ đồng để tu bổ và tôn tạo, nguồn kinh phí này là rất lớn. Vậy bà đánh giá tính khả thi của đề án tới đâu, khi mà nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia cho các địa phương chỉ mang tính hỗ trợ và địa phương cũng phải có nguồn vốn đối ứng?
Bà Nguyễn Thị Toán: Nếu để khẳng định vào tính khả thi của dự án thì rất khó, vì Hà Giang là một tỉnh khó khăn do đó các chương trình dự án tu bổ di tích, đặc biệt là di tích cấp quốc gia thì chủ yếu trông chờ vào nguồn kinh phí của Trung ương.
PV: Chúng tôi có nhận được thông tin trước bức xúc của người dân, tỉnh Hà Giang đang có kế hoạch có thể tạm ứng nguồn kinh phí để ngay lập tức tôn tạo một số ngôi nhà đã xuống cấp, thông tin này có chính xác hay không?
Bà Nguyễn Thị Toán: Chúng tôi có trình UBND tỉnh một tờ trình, đề nghị bố trí kế hoạch bổ sung cho sự án đầu tư xây dựng phố cổ Đồng Văn là 2 tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh cũng chưa trả lời được, vì trong điều kiện khó khăn của tỉnh Hà Giang, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng phải cân nhắc.
Mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi của phóng viên "Gõ cửa ngày mới" với bà Nguyễn Thị Toán, Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hà Giang, để tìm hiểu thêm về thực trạng tu bổ tôn tạo phố cổ Đồng Văn.