Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên
Sáng 6/1, tại Nhà Quốc hội, TP Hà Nội đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối.
Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hoà dân chủ; nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.
Tổng Bí thư khẳng định: Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hoà lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc bay thử trên đá Chữ Thập
Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết ngày 6/1, hai máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Về hành động này của Trung Quốc, ngày 7/1, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố:
“Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp.
Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế”.
Từ 15h ngày 4/1, giá xăng Ron 92 giảm tối đa 373 đồng mỗi lít
Thông báo mới phát đi của Liên bộ Tài chính - Công Thương cho biết, kể từ 15h ngày 4/1, giá xăng Ron 92 sẽ có mức giảm tối đa là 373 đồng/lít còn xăng E5 giảm 571 đồng/lít.
Trong khi đó, mặt hàng dầu diesel 0,05S có mức giảm tối đa là 865 đồng/lít; dầu hỏa giảm 791 đồng/lít còn dầu mazút 3,5S giảm cao nhất là 616 đồng/kg. Quyết định của liên bộ đưa ra cũng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối trong nước giữ nguyên mức trích lập quỹ bình ổn đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu ở mức 300 đồng/lít, xăng E5 là 0 đồng/lít.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, mức giá trần của xăng Ron 92 sẽ là 16.032 đồng/lít, trong khi xăng E5 không vượt quá 15.339 đồng/lít. Cũng theo công văn này, mức giá trần áp dụng đối với dầu diesel 0,05S là 11.119 đồng/lít; dầu hỏa cũng có giá tối đa là 10.274 đồng/lít trong khi dầu mazút 3,5S không vượt quá mức giá 7.546 đồng/kg.
Truy trách nhiệm hàng loạt cán bộ trong vụ sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực
Thanh tra Hà Nội đã có kết luận về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan đã để xảy ra hàng loạt sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực.
Theo đó, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư là Công ty cổ phần may Lê Trực. Những cá nhân được chỉ đích danh là ông Trần Mạnh Quân, Chủ tịch UBND phường Điện Biên; ông Nguyễn Cương Quyết, ông Nguyễn Tiến Dũng, thanh tra viên Thanh tra xây dựng quận Ba Đình. Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng; bà Lê Thị Nhung - Trưởng phòng Quản lý cấp phép, Sở Xây dựng và ông Lê Văn Đức - chuyên viên Phòng Quản lý cấp phép. Tuy nhiên, ông Tuấn và bà Nhung đã nghỉ hưu.
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 3/2011 đến tháng 12/2012, dù chưa có giấy phép xây dựng, Công ty cổ phần may Lê Trực đã thi công toàn bộ phần cọc nhồi của dự án và 4 tầng hầm, diện tích khoảng 2.550m2. Nhưng trong suốt thời gian này, các cơ quan quản lý Nhà nước đã không kiểm tra; kiểm tra xong không có biện pháp ngăn chặn.
Cao Bằng: Vỡ bể chứa thải nhà máy chì kẽm gây ô nhiễm nặng
Chiều 5/1, bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC (xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) xảy ra sự cố vỡ tấm bê tông đáy. Hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm khiến cho sông này bị ô nhiễm nặng.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã kịp thời có mặt tại hiện trường, yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống người dân từ sự cố này.
Truy tìm nguồn phóng xạ bị mất ở Bắc Kạn
Cơ quan chức năng đang truy tìm nguồn phóng xạ Cs – 137 bị mất trong quá trình lưu giữ tại kho của Nhà máy Xi măng Bắc Kạn ở phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Nguồn phóng xạ bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ có đường kính khoảng 10 x 20cm, màu ghi xám, nặng khoảng 3 - 4 kg, được sử dụng trong công nghệ xi măng lò đứng. Bình chì có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra ngoài môi trường.
Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, nguồn phóng xạ này không nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, nó sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu bị cố tình phá hủy.
Từ 6/1, ô tô không có bình chữa cháy bị xử phạt từ 300.000-500.000 đồng
Bắt đầu từ ngày 6/1, thông tư quy định về việc bắt buộc phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe ô tô bắt đầu có hiệu lực.
Quy định nêu rõ phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phải trang bị một bình chữa cháy là một trong các loại bình sau: Bình bột chữa cháy loại dưới 4kg, bình bột chữa cháy loại dưới 5L, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5L hay bình khí CO2 chữa cháy loại dưới 4kg.
Các phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe ô tô cần để ở những chỗ dễ thấy, dễ lấy sử dụng nhưng không ảnh hưởng đến thao tác của người lái xe. Ngoài ra, việc để các bình cứu hoả nên tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào, đặc biệt là vào mùa hè.
Nếu trong trường hợp các phương tiện cơ giới thiếu các phương tiện phòng chữa cháy theo danh mục quy định sẽ phải chịu mức phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng (quy định tại Điều 41, khoản 2, Nghị định 167/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính).
Thông xe 2 hầm chui hiện đại nhất Thủ đô
Hai hầm chui ở nút giao thông Trung Hòa và Thanh Xuân bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 8/1. Hầm chui Thanh Xuân chạy dọc theo đường Nguyễn Trãi cắt ngang ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển có hai đường hầm và hai đường dẫn. Để đảm bảo an toàn giao thông, cả hai hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa sẽ cấm phương tiện xe đạp và người đi bộ.
Sau khi thông xe ngày 8/1, hai hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa được kỳ vọng là giải pháp chống ùn tắc, xung đột giao thông cho toàn bộ khu vực cửa ngõ phía Tây của Thủ đô, giúp người đi chuyển dễ dàng, thuận tiện, an toàn trước dịp Tết Nguyên đán Bính Thân.
Dầu cá Omega-3 ăn mòn hộp xốp không ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Liên quan đến thông tin dầu cá Omega-3 có nguồn gốc từ Trung Quốc ăn mòn hộp xốp, khiến cho người tiêu dùng hoang mang, chiều 7/1/2016, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã tổ chức họp báo thông tin kết luận kiểm nghiệm loại dầu cá này. Theo đó, dầu cá ăn mòn hộp xốp là phản ứng hóa học bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Hình phạt nghiêm khắc cho 18 bị cáo trong vụ đại án Agribank
Chiều 7/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 18 bị cáo trong vụ án làm thất thoát gần 2.500 tỉ đồng xảy ra tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội.
Xét thấy, hành vi của các bị cáo ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, hệ thống tài chính quốc gia, tổn hại lòng tin của quần chúng nhân dân nên Hội đồng xét xử đã có hình phạt nghiêm khắc nhằm răn đe, giáo dục tội phạm.
Đối với nhóm nguyên cán bộ ngân hàng gồm: Bị cáo Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội) nhận tổng hình phạt 30 năm tù, bị cáo Chử Thị Kim Hiền (nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Nam Hà Nội) nhận tổng hình phạt 30 năm tù, bị cáo Phạm Thanh Tân (nguyên Tổng Giám đốc Agribank) nhận tổng hình phạt 22 năm tù.
Các bị cáo còn lại như: Đỗ Tiến Long, Nguyễn Thị Nguyệt Thanh, Nguyễn Hữu Thanh, Trương Thị Út, Đặng Quang Chung, Hoàng Thị Thu Hiền, Hoàng Anh Tuấn, Kiều Trọng Tuyến, Đỗ Quang Vinh, Phan Quý Dương đã phải nhận mức án từ 4 đến 16 năm tù giam. Bên cạnh hình phạt tù nêu trên, các bị cáo còn bị cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến ngân hàng theo quy định sau khi chấp hành xong hình phạt.
Đối với nhóm nguyên cán bộ Chi cục Hải quan gồm: Lương Thị Yên, Hoàng Tuấn Khanh, Đỗ Thị Liên Hương, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Lê Minh Hiếu chịu mức án từ 30 tháng tới 15 năm tù.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, Tòa buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho Agribank gần 2.500 tỷ đồng.
Đối với nhóm bị can nước ngoài, do các đối tượng này đã bỏ trốn, thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra Bộ Công an tạm đình chỉ giải quyết và tách rút hồ sơ là đúng quy định pháp luật. Việc tuyên án đã diễn ra sau 8 ngày xét xử và 9 ngày nghị án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.