Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)
1. TNGT giảm năm thứ hai liên tiếp
Năm 2015 là năm thứ hai liên tiếp xu hướng giảm TNGT được duy trì. Toàn quốc xảy ra 22.404 vụ TNGT, làm chết 8.671 người, làm bị thương 20.556 người. TNGT giảm cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2014.
Năm nay, trong khi TNGT đường bộ giảm hơn 5% so với năm 2014, TNGT đường sắt xảy ra 261 vụ tăng 58,18%, đường thủy tăng 28,77% và đường hàng hải tăng 43,75%. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để kéo giảm những con số trên xuống thấp nhất có thể.
2. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được đưa vào sử dụng
Hôm nay (31/12) - một ngày đặc biệt, vì Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo các chuyên gia kinh tế và chuyên gia giao thông, kết nối hạ tầng là chìa khoá hội nhập khu vực. Trong năm qua, hàng loạt những công trình hạ tầng giao thông được đưa vào sử dụng đã kết nối các vùng miền, tạo nên những vành đai kinh tế, giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn rất nhiều.
3. Nhiều tuyến Quốc lộ, cao tốc ra đời
Đến hết năm 2015, ngành GTVT hoàn thành vượt mức các mục tiêu về phát triển kết nối hạ tầng giao thông như đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400km đường bộ và hơn 94.000m cầu đường bộ. Đặc biệt, nhiều tuyến Quốc lộ, cao tốc đã làm thay đổi diện mạo vùng miền, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng như QL14 - tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hay cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - đạt tiêu chuẩn công nghệ tiến tiến của thế giới, góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Bắc Bộ.
Hàng loạt những sân bay lớn, cụm cảng hàng không nâng tầm quốc tế, đặc biệt trong đó có cụm công trình trọng điểm quốc gia: Nhà ga T2 Nội Bài, Cầu Nhật Tân, đường nối Cầu Nhật Tân với Nhà ga T2 Nội Bài… đã được vinh danh trong lễ trao giải thưởng cống hiến của Tổ chức Jica. Đây cũng là điểm nhấn ở cửa ngõ thủ đô Hà Nôi - nơi kết nối Việt Nam với thế giới.
4. Cấp bằng lái xe quốc tế
Từ 1/10/2015, giấy phép lái xe quốc tế đã được cấp. Với giấy phép lái xe này, công dân Việt Nam được sử dụng để lái xe tại 85 quốc gia trong đó có một số nước lớn như Đức, Pháp...
5. Văn hóa giao thông chưa bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông
Năm 2015 đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới ý thức của người tham gia giao thông trên các tuyến đường. Ngoài tình trạng lái xe bắt khách dọc đường hay tranh giành, nhồi nhét khách, việc người dân mở hàng quán ngay cạnh đường cao tốc, thậm chí tự ý phá rỡ các thiết bị hộ lan hay ném đá, rải đinh trên cao tốc… cũng là những nguyên nhân tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
6. Camera giám sát hành trình đi vào hoạt động
Việc đưa Trung tâm thông tin chỉ huy Cảnh sát giao thông và 450 camera giám sát hành trình đi vào hoạt động trên các tuyến phố tại Hà Nội đã mở đầu cho việc kiểm soát vi phạm qua hình ảnh.
Sau đó, hơn 300 camera được lắp đặt trên các cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, hay mới đây nhất là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… đã góp phần thúc đẩy nhanh việc hiện đại hóa trong lĩnh vực kiểm soát xử lý vi phạm giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng, của xã hội nói chung, đặc biệt là góp phần nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
7. Nhiều dự án BOT đi vào sử dụng
Cụm từ BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã quá quen thuộc trong thời gian qua. Cũng chính nhờ hình thức huy động vốn xã hội hóa này, đến nay, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Đến thời điểm hiện nay do sự điều hành chặt chẽ, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế, Bộ GTVT mới đây đã đề nghị Bộ Tài chính và các nhà đầu tư tạm dừng tăng phí dự án BOT tới 1/6/2015 thay vì theo lộ trình từ 1/1/2016.
8. Tăng cường kiểm soát tải trọng
Việc tập trung quản lý vận tải hành khách tuyến cố định, liên tỉnh và vận tải hàng hóa; xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện, nhất là quản lý vận tải hàng hóa bằng container trên đường bộ đã được thực hiện quyết liệt trong năm 2015.
Việc giám sát tải trọng được thực hiện ngay từ khâu đăng kiểm, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với xe quá tải hoặc cơi nới thùng xe trái quy định, thậm chí là được kiểm soát từ đầu nguồn, tại các cảng bến - nơi xếp dỡ hàng hóa. Hàng chục cán bộ đăng kiểm bị kỷ luật vì sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước cho thấy sự quyết liệt xử lý tật gốc của cơ quan chức năng.
9. Đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Sau khi Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Giao đoạn 1 trong đó chi phí dao động từ 6,9 đến 35,1 triệu USD. Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến là 5,2 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2018-2025.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện đấu thầu để chọn nhà thầu làm báo cáo khả thi, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi trình Quốc hội thông qua. Sau đó, khi Quốc hội thông qua báo cáo khả thi thì mới làm bước tiếp theo về việc triển khai dự án.
10. Chỉ số cạnh tranh hạ tầng giao thông tăng 9 bậc
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố năng lực cạnh tranh toàn cầu trong đó riêng chỉ số về hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc (từ thứ hạng 76 trong báo cáo 2014-2015 tăng lên hạng 67 trong báo cáo 2015-2016).
Thành tích này bắt nguồn từ việc Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong đầu tư để tạo ra kết quả là sự cải thiện đáng kể về hạ tầng giao thông. Cùng với việc đầu tư xây dựng, ngành cũng tập trung khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.