Dịch sốt xuất huyết đang là nỗi sợ hãi của nhiều người dân Hà Nội khi mỗi tuần có đến hàng ngàn ca nhiễm bệnh mới được phát hiện. Tính đến ngày 16/8, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã lên đến 17.365 người, trong đó có 7 người tử vong. Để có thể dập được dịch sốt xuất huyết, bên cạnh công tác điều trị các ca mắc bệnh thì hoạt động phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh diệt bọ gậy cũng rất cần thiết.
Chị Hồng Ngân (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi đã nhận được rất nhiều thông báo tuyên truyền về phòng chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian qua. Tôi rất ủng hộ hoạt động phun thuốc diệt muỗi để ngừa dịch bệnh. Nhưng tôi hơi lo lắng về việc liệu thuốc phun diệt muỗi có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ em như gây dị ứng hay không".
Nói về mức độ an toàn của thuốc diệt muỗi đang được Bộ Y tế sử dụng hiện nay đối với trẻ em, ông Vũ Đức Chính - Trưởng khoa Côn trùng (Viện sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng TƯ) cho biết: "Thuốc diệt muỗi khi được đưa vào sử dụng đều đã thông qua quá trình nghiên cứu về chất lượng và liều lượng, đảm bảo độ an toàn với con người, kể cả đối với trẻ em cũng không ngại nếu thực hiện đúng quy trình".
Ông Chính cho biết, khi địa phương tiến hành phun thuốc diệt muỗi thì phải báo cho người dân biết sớm để chuẩn bị, che đậy đồ ăn thức uống lại. Do sử dụng phương pháp phun xông hơi nên mọi người đều phải ra khỏi nhà tối thiểu 30 phút - 1 tiếng đồng hồ.
Nói về trường hợp trẻ nhỏ bị dị ứng do thuốc diệt muỗi, ông Chính cho hay: "Các trường hợp bị dị ứng với thuốc diệt muỗi mà chúng tôi thống kê được thì chỉ bị nhẹ, có biểu hiện như nóng rát thôi. Đối với trẻ em, các cháu có dấu hiệu dị ứng thì nhiều khả năng là do bị thuốc còn dư trong nhà dây vào, nếu bị thuốc dây vào gây nóng rát, ngứa thì phải tắm rửa ngay bằng nước sạch thì sẽ hết".
Cán bộ y tế tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại nhà dân
Nói thêm về những chỉ dẫn an toàn sau khi phun thuốc diệt muỗi, ông Chính cho biết, nhiều gia đình đóng kín cửa cả tiếng đồng hồ rồi vào nhà sinh hoạt luôn thì sẽ không tốt. Việc đóng kín cửa sau khi phun mặc dù giúp khả năng diệt muỗi cao hơn nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp thuốc còn dư lơ lửng trên không trung chưa được khuếch tán hết. "Sau khi ra khỏi nhà và đóng kín cửa tối thiểu 30 phút - 1 tiếng, người dân không nên cho trẻ em vào nhà ngay mà nên mở các cánh cửa để tạo sự thông thoáng, gió bên ngoài lùa vào làm khuếch tán hết lượng thuốc còn đang lơ lửng trên không trung, như vậy sẽ hạn chế việc da trẻ bị tiếp xúc với thuốc gây dị ứng".
Nói về vấn đề an toàn của thuốc diệt muỗi đang được Sở Y tế Hà Nội dùng để phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện nay, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục y tế Dự phòng Bộ y tế khẳng định: "Thuốc phun diệt muỗi hiện nay của Bộ Y tế sử dụng để dập dịch sốt xuất huyết ở các cụm dân cư không gây độc hại đối với sức khỏe con người. Tất cả những loại thuốc được Bộ đưa vào sử dụng đều là thuốc nhóm Pyrethrine thuộc thế hệ mới nhất, đã qua thử nghiệm ở cả 3 miền Việt Nam và cho kết quả an toàn. Người dân có thể yên tâm về độ an toàn của thuốc phun diệt muỗi được Bộ Y tế sử dụng hiện nay".
Tuy nhiên, ông Phu cũng cho biết, ngoài những loại thuốc được Bộ Y tế đưa vào sử dụng, một số gia đình cũng tự ý mua thuốc hoặc thuê đơn vị ngoài để phun thuốc diệt muỗi. Đối với những trường hợp này sẽ rất khó để quản lý được chất lượng, nguồn gốc cũng như độ an toàn của thuốc diệt muỗi. "Nếu sử dụng những loại thuốc diệt muỗi không rõ nguồn gốc thì có thể dẫn đến nguy cơ các gia đình sử dụng phải thuốc không hiệu quả hoặc có độ độc cao hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Vậy nên, các gia đình khi muốn phun thuốc diệt muỗi thì nên liên lạc đến các trung tâm Y tế dự phòng, trung tâm dịch tễ để có được hướng dẫn cụ thể nhất" - ông Phu cho biết.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 3.440 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, so với tuần trước đó đã giảm 7 trường hợp và có xu hướng chững lại, đây là thông tin khả quan cho việc kiểm soát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô. Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Hiện Bộ Y tế đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200 để dập dịch. Sau khi thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, số lượng ca sốt xuất huyết đã chững lại. Nhìn nhận tổng thể, mật độ muỗi có giảm sau khi phun thuốc diệt trên diện rộng. Hơn 1.300 ổ dịch đã được khống chế, 80% ổ dịch chỉ có 1 - 2 bệnh nhân. Hiện Hà Nội vẫn cố gắng tập trung vào 2 giải pháp chính là diệt bọ gậy, phun hóa chất".
Mặc dù dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng chững lại nhưng Sở Y tế vẫn công bố 3 mức độ dịch tễ là đỏ, cam và vàng. Những mức độ này được căn cứ trên số ca bệnh, tỷ lệ mắc trên 100.000 dân, mật độ muỗi, bọ gậy... Hiện đang có 12 quận huyện nằm trong mức báo động đỏ cao nhất như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân... khi tập trung đến 90% bệnh nhân toàn thành phố.
12 quận huyện gắn mác đỏ: Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân.
5 quận huyện gắn mác da cam: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên.
Các quận huyện gắn mác vàng: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Ứng Hòa.
Việc công bố mức độ dịch tễ theo từng vùng sẽ giúp người dân nắm được địa bàn nào đang nằm trong khu vực ổ dịch và huy động được nguồn lực tốt để làm công tác phòng chống dịch.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!