Hầu hết các gia đình đều có ổ bọ gậy phát sinh từ nhiều vật dụng, phế thải đọng nước mưa.
Với gần 19.000 ca mắc, có tới 12 quận huyện nằm trong báo động đỏ về sốt xuất huyết, Hà Nội đã và đang rất tích cực phun thuốc diệt muỗi. Thế nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa đẩy lùi được dịch bệnh. Có ý kiến lo ngại phải chăng chất lượng thuốc phun muỗi không hiệu quả?
Lý giải cho câu hỏi trên, trong cuộc thị sát đột xuất sáng nay (20/8) tại quận Tây Hồ, Hà Nội, đoàn kiểm tra Bộ Y tế đã chỉ rõ: "Tuy muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có giảm, nhưng vẫn phát hiện rất nhiều ổ bọ gậy trong các gia đình".
Qua giám sát các khu dân cư trên địa bàn cho thấy, hầu hết các gia đình đều có ổ bọ gậy phát sinh từ nhiều vật dụng, phế thải đọng nước mưa, chứa nước lưu cữu. Chính vì vậy, tại không ít gia đình có hiện tượng vừa phun thuốc diệt muỗi được vài hôm đã thấy muỗi bay trong nhà.
Trao đổi với chính quyền và người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh việc phun thuốc góp phần diệt đàn muỗi mang mầm bệnh. Tuy nhiên, để phòng dịch sốt xuất huyết người dân cần chủ động diệt bọ gậy và phải biết tự bảo vệ mình.
"Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết" - Thông điệp này đã được Bộ Y tế khuyến cáo liên tục nhiều lần - nhưng thực sự rất cần người dân phải để tâm. Trong khi cán bộ y tế không thể đến từng nhà dân để diệt bọ gậy, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch, vệ sinh sạch sẽ những nơi dễ phát sinh bọ gậy như: Khay hứng nước đọng của tủ lạnh; Thùng xốp trồng rau; Bể chứa nước tại các nhà vệ sinh, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!