Ca phẫu thuật với khoảng 70 người tham gia gồm các Giáo sư, Bác sĩ đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, viện Tim TP.HCM, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM bước đầu được đánh giá thành công. Tuy nhiên, việc hậu phẫu cho cả hai bé, đặc biệt là bé Phi Phụng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay từ 6h, hai bé song sinh đã được chuyển lên phòng mổ đến tiến hành phẫu thuật tách dính.
10h, các bác sĩ đã thám sát xong và đánh giá được tình trạng dính nhau của hai bé bao gồm phần xương ức, màng tim, tâm nhĩ và gan.
‘ Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật thành công ca song sinh dính liền bụng và ngực. Ảnh: Dân trí
Đến 11h30, phần gan của hai bé đã được tách thành công. Tuy nhiên cái khó nhất ở ca này nằm ở phần tim bị dính cả màng tim và tĩnh mạch chủ trên trái của bé Phi Phụng đổ vào tâm nhĩ phải của bé Phi Long. Ngoài ra, diện tích dính nhau phần lồng ngực, thành bụng quá lớn nên khi tái tạo sau khi tách lại rất khó.
Các bác sĩ cũng nhận định, trường hợp bé Phi Phụng gan rất lớn và tim cũng không đóng được vì bị thiếu mô màng ngoài tim nên khi đóng lại phải dùng các vật liệu nhân tạo. Việc sử dụng các vật liệu nhân tạo cũng có thể gây ra những nguy cơ tăng khả năng nhiễm trùng sau phẫu thuật. Do đó, trường hợp bé Phi Phụng sẽ phải làm những phẫu thuật tiếp theo để có thể tái tạo lại nên chưa ai có thể nói chắc được về tình trạng sức khỏe của bé trong thời gian tới.
Hiện hai bé đã được chuyển vào phòng hồi sức và đang được theo dõi chặt chẽ diễn tiến sau mổ. Sự thành công của ca mổ bước đầu đánh dấu sự phối hợp nhịp nhàng và khẳng định trình độ tay nghề của đội ngũ bác sĩ ngoại khoa tại Việt Nam.