Ngày 7/10, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đã xác định được nguyên nhân vết nứt mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai sau khi khoan khảo sát địa chất bổ sung.
Kết quả cho thấy, tại vị trí Km83+025 (vị trí trung tâm của vết nứt) có sự bất thường về địa tầng, không xuất hiện lớp đất có khả năng chịu tải tốt như xuất hiện tại mặt cắt địa chất kề đó tại vị trí Km83+00; lớp đất yếu (bụi dẻo lẫn hữu cơ) nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài lớn gần 30%; cấu tạo địa tầng tại vị trí này đã không được phát hiện trước đây do nằm giữa 2 mặt cắt khoan khảo sát địa chất bước lập bản vẽ thi công xử lý đất yếu.
VEC (chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai) cho biết đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng - cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về xác định nguyên nhân gây nứt để có giải pháp khắc phục phù hợp.
Ngay sau khi phát hiện vết nứt, VEC đã chỉ đạo Tư vấn giám sát hướng dẫn nhà thầu tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng vết nứt và khoan khảo sát nhằm xác định cụ thể cấu tạo địa tầng khu vực.
Trong giai đoạn này đã khoan 2 mặt cắt tại lý trình Km 83+025 và Km83+050 với tổng số 8 lỗ khoan (vị trí lỗ khoan bổ sung có tham khảo ý kiến các chuyên gia xử lý nền đất yếu và chuyên gia của Hội đồng nghiệp thu nhà nước), bao gồm: Tại mặt cắt Km83+025: khoan 5 lỗ khoan gồm 3 lỗ bên trái cách tim đường lần lượt 12m, 38m, 57m; 2 lỗ bên phải cách tim đường lần lượt là 12m và 38m.
Tại mặt cắt Km83+050: khoan 3 lỗ khoan gồm 2 lỗ bên trái cách tim đường lần lượt 12m, 38m; 1 lỗ bên phải cách tim đường 38m.
Trong hai ngày 3 và 7/10 vừa qua, các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải đã họp các chuyên gia và thành viên của Hội đồng nghiệp thu nhà nước và đã xác định nguyên nhân vết nứt là đoạn nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có bất thường về địa tầng, đã xuất hiện hiện tượng trượt sườn, đáy khối trượt xuất hiện ở khu vực tiếp giáp giữa đất yếu và đá gốc làm mất ổn định và gây ra nứt mặt đường.
Trên quan điểm là phải đảm bảo mục tiêu khai thác liên tục, an toàn tuyến đường, giải pháp xử lý là thi công ngay bệ phản áp để đảm bảo ổn định nền đường với kích thước rộng 20m cao 2,5m (tại mép ngoài bệ phản áp, dốc thoát nước 4%), dài 180m (Km82+950 – Km83+130).
Quá trình thi công bệ phản áp cần được kết hợp với các biện pháp tính toán, quan trắc và thẩm tra điều chỉnh kịp thời. Căn cứ trên kết quả xử lý, sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo đảm bảo ổn định lâu dài nền đường.