Theo Nghị quyết này, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Bỏ phiếu tín nhiệm là việc của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
‘ GS.TSKH Phan Xuân Sơn (bên phải) tại trường quay Đài THVN (Ảnh: VTV News)
Nghị quyết cũng yêu cầu việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đảm bảo quyền của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kì hàng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kì. Riêng đối với nhiệm kì 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kì họp đầu năm 2013.
49 chức danh thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội bao gồm: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên của Uỷ ban thường vụ, Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án toà án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Do Quốc hội vừa phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng kiểm toán Nhà nước tại đầu kì họp thứ 5, nên tại kì họp này không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 2 chức danh này. Vì vậy, tổng số các chức danh lấy phiếu tín nhiệm sẽ còn 47.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, trên phiếu ghi rõ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, với các mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp, hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp thì Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm là cách làm rất riêng của Quốc hội Việt Nam. Quốc hội các nước thường chỉ thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và bỏ phiếu bất tín nhiệm trên cơ sở đề nghị của đại biểu Quốc hội.
Mặc dù việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong số rất nhiều nội dung của kì họp Quốc hội lần này, song lại là một hoạt động đặc biệt được cử tri chờ đợi. Ý kiến đánh giá giám sát của đại biểu Quốc hội đối với các vị trí lãnh đạo của Nhà nước sẽ được lượng hoá một cách cụ thể, rất rõ ràng và những lá phiếu sẽ nói lên rất nhiều điều.
Chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này của Đài THVN với sự tham gia của GS.TSKH Phan Xuân Sơn sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn sự kiện chính trị quan trọng này của đất nước.
VIDEO nội dung chi tiết cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với GS.TSKH Phan Xuân Sơn