Trong 6 nội dung chính được các đại biểu tập trung thảo luận, vấn đề Về thẩm quyền, phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm và định kỳ lấy phiếu tín nhiệm được các đại biểu đưa ra tại hầu hết các tổ thảo luận
Theo dự thảo, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 người, bao gồm: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với 380 người, bao gồm các Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các Uỷ viên của Hội đồng, Uỷ ban. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn bao gồm các thành viên Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội… là không cần thiết, quá dàn trải, dễ dẫn đến hình thức.
Về định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu tán thành quy định của dự thảo Nghị quyết là nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm và được tiến hành bắt đầu tại kỳ họp đầu tiên mỗi năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến đề nghị, chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vì cho rằng thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ thể hiện được khả năng của mình.
Theo kế hoạch, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dự thảo Nghị quyết “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn" vào ngày 10/11. Phiên họp này sẽ được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên VTV1, mời quý vị đón xem.