Tại thị xã Hoàng Mai do mưa to, cộng với việc xả lũ để bảo toàn hồ Vực Mấu, đã gây ngập sâu toàn bộ 10 xã, phường làm mất điện trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai trong hơn 2 ngày liền. Do nước dâng cao trên 1,5m, trạm trung gian Hoàng Mai 35/10 KV, công suất 12.100 KVA đã bị ngập úng máy biến áp và phòng máy. Để khắc phục điện lực đã huy động cán bộ, công nhân đơn vị thay hệ thống bảo vệ, rơ le đo lường để kịp thời đóng điện trong chiều 6/10 cho 13.000 hộ đang bị mất điện. Ngoài ra nhân viên điện lực cũng đã cố gắng tiếp cận các khu vực điện hạ thế còn bị chia cắt để khắc phục ở phía nam của thị xã Hoàng Mai.
‘ Điện lực Quỳ Hợp khắc phục sự cố tuyến đường dây Châu Lộc (Ảnh: Huy Nhâm)
Còn tại huyện Quỳ Hợp, bão số 10 đã làm gãy đổ 50 cột điện hạ thế, nhiều cột điện cao thế bị nghiêng, sạt lở và đổ gãy. Thiệt hại nặng nhất là cột điện cao thế 35 KV thuộc xã Châu Lộc. Cột điện bị nước cuốn trôi kéo theo hệ thống đường dây thông tin viễn thông điện lực, gây mất điện cục bộ một số xã của huyện Qùy Hợp và mất điện toàn bộ của 2 huyện Qùy Châu và Quế Phong vào chiều 30/9. Toàn huyện có 18 trạm biến áp trung gian bị ngập nước, hư hỏng. Với sự nỗ lực của điện lực Quỳ Hợp, đến chiều ngày 1/10 các khu vực trung tâm của huyện, thị đã có điện, và đến sáng nay tất cả 205 trạm biến áp trên địa bàn đã được khôi phục.
Ông Trần Đức Châu, Đội trưởng đội kỹ thuật Điện lực Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết: “Trước mưa bão, chúng tôi đã cắt các aptomat tổng của các trạm biến áp có nguy cơ. Sau mưa bão, anh em tổ chức tiến hành kiểm tra toàn bộ tuyến đường dây. Điểm hành lang nào có nguy cơ, chúng tôi đã phát quang và đóng lại toàn bộ các trạm biến áp trên địa bàn huyện. Còn riêng 21 trạm nhánh rẽ tuyến Châu Lộc hiện nay đang thi công và cố gắng trưa 3/10 là sẽ đóng toàn bộ các trạm biến áp của 3 xã Châu Lộc - Liên Hợp và Châu Tiến”.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Điện lực Nghệ An, mưa bão đã làm 40 cột điện trung thế, 2.000 cột điện hạ thế trên địa bàn Tỉnh bị gãy đổ; hệ thống điện bị ngập nước ở nhiều nơi ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 22.5 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh đã đóng điện được trên 300 trạm biến áp phân phối, còn hơn 160 trạm biến áp đang bị mất điện sẽ được khắc phục trong ngày 6/10.
Ngay sau khi nước rút, ngành điện đã huy động hơn 1.000 cán bộ, công nhân, xử lí các điểm xung yếu để xử lí sự cố về điện. Ngành Điện lực phấn đấu trong 1-2 ngày tới sẽ khôi phục 100% các điểm có sự cố do ảnh hưởng bão, khẩn trương cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.