Tại Thanh Hóa: Đã có 4 hồ, đập tại huyện Tĩnh Gia đã bị tràn, vỡ khiến hàng nghìn hộ dân ở các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị cô lập trong nước lũ. Toàn huyện hiện có gần 2.000 ha lúa mùa đang thời kỳ thu hoạch, 1.500 ha hoa màu vụ đông vừa gieo trồng bị nước cuốn trôi, nhiều nhà dân bị sập đổ và hơn 30 ha nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối bị thiệt hại.
Tại Hà Tĩnh: Toàn tỉnh có hơn 500 ha lúa và hoa màu đã bị ngập hoàn toàn. Hơn 700 ha muối bị ngập. Nhiều ao đầm bị mất trắng.
‘ Nhiều đồng nuôi tôm trắng xóa nước (Ảnh: Dân trí)
Tại Quảng Trị: Nhiều trại chăn nuôi bị tốc mái và hư hỏng hoàn toàn. Gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn và 2.000 ha hoa màu bị thiệt hại. Quảng Trị cũng có tới 12.000 ha rừng bị đổ rạp, 500 ha tôm mất trắng.
Tại Thừa Thiên Huế: Theo thống kê, toàn tỉnh có khoảng 300 ha lúa và hoa màu bị gãy đổ; trên 220 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị sạt lở. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế là địa phương bị sạt lở bờ sông, bờ biển rất nhiều.
Tại Quảng Bình: Sau bão số 10 có 10.000 ha trên tổng số 18.000 ha cao su tại 2 huyện Quảng Trạch và Bố Trạch bị gãy đổ. Trong số đó, phần lớn là diện tích cao su tiểu điền của bà con nhân dân trong vùng.
Đây là số cao su đã trồng từ 7-8 năm trở lên và bắt đầu vào thời kỳ khai thác. Ước tính thiệt hại lên đến gần 1.700 tỷ. Trước mắt UBND tỉnh Quảng Bình và các huyện sẽ tạm thời trích từ quỹ ngân sách dự phòng địa phương để hỗ trợ cho bà con có diện tích cao su thiệt hại nặng. Về việc trồng mới cao su đang là khó khăn lớn với nhiều hộ gia đình, bởi họ sẽ phải trồng mới gần như 100%. Một số loại cây công nghiệp khác cũng đang được địa phương tính đến để thay thế tạm thời cho cây cao su như cây keo, sắn...