Điều kiện giết mổ kém vệ sinh, các trang thiết bị dành cho khâu giết mổ cũng rất kém nhưng hàng trăm tấn thịt từ các cơ sở giết mổ thủ công ở Việt Nam vẫn được tiêu thụ hết. Chủ một lò mổ ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đã thừa nhận tình trạng kém vệ sinh tại cơ sở của mình. Tuy nhiên, người này cũng cho biết, khâu kiểm tra cũng diễn ra rất ít, 2 năm mới lò mổ mới được kiểm tra 1 lần và cơ quan kiểm tra cũng chỉ nhắc nhở qua loa rồi bỏ đi. Đặc biệt, nhiều cơ sở mới thành lập chỉ được xem xét qua rồi đã được đóng dấu hợp thức hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội - cho rằng, đó là thiếu sót trong quá trình kiểm tra. Chi cục thú y Hà Nội còn cho biết, càng siết chặt quản lý thì tình trạng lò mổ kém vệ sinh lại càng gia tăng. Hiện tại, chưa có cơ sở lò mổ thủ công nào được đình chỉ và cũng chưa có kilogam thịt nào được thu giữ.
Trong khi đó, các lò mổ công nghiệp hiện nay lại đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều cơ sở đã phải đóng cửa. Tại Hà Nội, một dây chuyền giết mổ 1.000 con lợn mỗi ngày được thành phố hỗ trợ tới 20 tỷ đồng nhưng gần 2 năm qua đã "đắp chiếu". Doanh nghiệp cho biết, khi đầu tư thành phố hứa đưa các lò thủ công vào song không thực hiện được. Vì thế, doanh nghiệp phải bán dây chuyền, lấy tiền trang trải.
Có lò mổ công nghiệp vẫn hoạt động đã phải giảm số lượng giết mổ xuống mỗi ngày. Theo các doanh nghiệp, các cơ sở giết mổ theo mô hình này đang gặp phải nhiều khó khăn khi không được hỗ trợ đầu ra, nhất là trong tình hình quy mô thu hẹp dần còn giá thành gia tăng.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.