Để hạn chế gian lận thi cử, năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ cử khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT. Đây không phải là lần đầu tiên giảng viên đại học đảm nhận nhiệm vụ này.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2008, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa các cán bộ, giảng viên đại học về địa phương làm thanh tra cắm chốt tại từng cụm thi, đảm bảo việc giám sát chéo. Ngoài những hiệu quả tích cực, theo đánh giá của một số trường đại học, cách thức tổ chức hoạt động của lực lượng thanh tra cắm chốt còn một số vấn đề bất cập như chưa nắm chắc quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra. Chính vì vậy, theo đại diện Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, việc các trường lựa chọn kỹ lưỡng cán bộ, giảng viên đại học phù hợp với nhiệm vụ này là rất quan trọng.
Kinh nghiệm cũng cho thấy, việc để thanh tra cắm chốt làm việc tại một điểm thi trong toàn bộ thời gian kỳ thi diễn ra, để địa phương chi trả kinh phí ăn, nghỉ cho các đoàn cán bộ, giảng viên đại học về làm nhiệm vụ có thể dẫn đến sự khó xử và tâm lý nể nang của lực lượng này đối với địa phương trong quá trình làm việc.
Trong 6.000 giảng viên được huy động, một số sẽ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của địa phương, tương tự như hình thức thanh tra cắm chốt trước đây. Một số sẽ tham gia các đoàn thanh/kiểm tra của Bộ đối với cả khâu coi thi và chấm thi. Công tác tập huấn sẽ được làm kỹ càng hơn những năm trước.
Ngoài lực lượng thanh tra của Bộ sẽ có cả thanh tra tỉnh và thanh tra sở. Vì thế, để chức năng nhiệm vụ của 3 lực lượng thanh tra được quy định rõ ràng, tránh chồng lấn, kế hoạch cụ thể của các đoàn thanh tra phải thực chất và hiệu quả, tránh tình trạng đoàn chưa đến cơ sở đã biết để chuẩn bị tiếp đón hoặc "trống dong cờ mở" nhưng cuối cùng chỉ là để "cưỡi ngựa xem hoa".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!