Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Quy chế tốt nghiệp THPT 2020. Việc tổ chức coi thi, chấm thi giao hẳn về cho địa phương là một trong những điểm đáng lưu ý nhất của dự thảo này, có nghĩa là sẽ không có sự tham gia của giảng viên Đại học vào hai khâu quan trọng này như những năm trước. Điều này khiến nhiều trường Đại học lo ngại về chất lượng của kỳ thi, nhất là khi kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được dùng làm căn cứ xét tuyển Đại học.
TS. Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay: "Thực ra, khâu coi thi chắc chắn có sự nới lỏng nhất định có thể xảy ra nếu không có thanh tra chéo, kiểm tra chéo".
Thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Đề thi, coi thi, chấm thi là ba khâu quan trọng của một kỳ thi. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ trì việc ra đề. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng hai khâu còn lại vẫn duy trì như những năm trước, nhằm đảm bảo tính ổn định của kỳ thi khi đây vẫn là mô hình tốt.
Thay vì tham gia trực tiếp khâu coi thi, chấm thi, cán bộ Đại học được đề xuất tham gia vào lực lượng thanh tra của Bộ giám sát các khâu của kỳ thi. Chưa bàn đến số lượng của lực lượng này, chỉ riêng quy trình thanh tra như thế nào cũng là điều mà nhiều trường Đại hoc băn khoăn.
Trong trường hợp quy chế không có gì thay đổi, nhiều trường dự kiến sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT xuống thấp hơn so với dự kiến ban đầu hoặc thêm tiêu chí phụ, để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!