Theo thống kê của Thanh tra Văn hoá, Bộ VH-TT&DL, trong số đơn thư khiếu nại tố cáo của ngành thì có từ 80-85% là đơn khiếu nại về lấn chiếm đất đai di tích. Riêng Hà Nội, trong số 2.000 di tích được xếp hạng, có tới hơn 400 di tích bị xâm phạm nghiêm trọng, đặc biệt là thường rơi vào các ngôi chùa nằm trong khu vực nội thành. Trong đó, Chùa Thanh Nhàn - Hà Nội là một điển hình.
‘ Ảnh: VTV Online
Tình trạng nhếch nhác, xập xệ, cảnh quan bị xé nát... bởi sự thiếu ý thức của 22 hộ dân lấn chiếm sinh sống trong khuôn viên Chùa Thanh Nhàn - một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời nhà Lê và được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1998, đang khiến cho không ít người dân và khách viếng chùa bức xúc.
Theo ghi nhận, ở nội thành, hiện có ba loại hình lấn chiếm di tích, đó là dạng những người ở trong di tích từ trước khi di tích được xếp hạng; lấn chiếm sau khi di tích đã được xếp hạng; và xây dựng các công trình mới lấn át cảnh quan di tích.
Nếu nhìn lại ngôi ở chùa Thanh Nhàn, ngôi chùa này đã bị lấn chiếm ở cả 3 loại hình trên, thậm chí còn bị những hộ dân trong khuôn viên ngang nhiên xẻ đất bán và xây nhà mới. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, chính quyền cơ sở vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm, dù nhà chùa đã có đơn thư kêu cứu tới nhiều cấp chính quyền.
Đã có hàng trăm di tích đình, chùa ở Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa bị lấn chiếm, bị xâm hại như Chùa Vĩnh Trù, Đình Kim Liên, Chùa Láng... và đều rơi vào quên lãng. Còn đối với Chùa Thanh Nhàn - ngôi chùa hiện cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và phải đóng cửa Nhà Mẫu 4 năm nay, liệu có còn thời gian để chờ đợi?
Đi chùa cầu may là một truyền thống, nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam. Nhưng cầu may trong một khuôn viên đã bị xẻ thịt mất đi sự thanh tịnh tôn nghiêm, liệu ngành Văn hóa và các cấp có thẩm quyền có xót xa?
Mời quý vị theo dõi chi tiết nội dung qua VIDEO dưới đây: