Theo ghi nhận, trên địa bàn các quận/huyện như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức… tập trung nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn m2. Những nhà xưởng, nhà kho này mọc lên san sát ở những ô đất xen lẫn khu dân cư làm nơi sản xuất, cất trữ hàng hóa, nhiều loại hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao.
Đáng nói, ngay tại các quận nội thành như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai… nhiều xưởng sản xuất nhỏ lẻ của các hộ kinh doanh ở mặt đường trên nhiều tuyến phố chính gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Sinh sống ở gần xưởng mộc, xưởng cơ khí hay những cửa hàng nhôm kính ở chung quanh nhà, bà L.T.M không khỏi lo lắng và bức xúc khi hàng ngày phải đối mặt với những nguy cơ về ô nhiễm và cháy nổ.
"Tôi sinh sống ở đường Đê La Thành hơn 30 năm qua. Đây là khu bán đồ gỗ nội thất và kinh doanh sắt thép lâu nay. Nhưng ngoài các cửa hàng trưng bày sản phẩm, một số hộ kinh doanh còn mở ra đủ loại các xưởng như xưởng mộc, xưởng sơn, xưởng hàn xì sắt thép, xưởng làm khung nhôm cửa kính, cửa sắt… Hàng ngày, từ sáng sớm đã nghe thấy tiếng máy hàn, máy cắt đinh tai, xưởng mộc thì bụi cay mắt, mùi sơn rất khó chịu. Sợ nhất là lo cháy nhà. Nghe tin những vụ cháy mà liên tưởng tới khu nhà mình, nên lúc nào cũng cảnh giác cao", bà M cho hay.
San sát các xưởng mộc, cửa hàng kim khí trên địa bàn Hà Nội
Nhiều khu vực vốn nhỏ hẹp, lại nhiều nhõ ngách, nhà cửa san sát, khi xảy ra cháy nổ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy.
Mật độ dân cư dày đặc ở các quận nội thành Hà Nội.
Theo tìm hiểu, các hộ sản xuất và kinh doanh như bà M chia sẻ nằm rải rác khắp địa bàn Thủ đô, tập trung ở một số tuyến phố với mật độ dân cư sinh sống và lưu lượng phương tiện qua lại cao. Theo lãnh đạo UBND quận Đống Đa, sau khi cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh kèm giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy và một số giấy tờ liên quan khác, quận sẽ cấp phép các hộ này hoạt động. UBND phường chịu trách nhiệm quản lý, đôn đốc và kiểm tra, còn về công tác PCCC do các phòng Cảnh sát PCCC phụ trách.
Ông H – một chủ hộ kinh doanh xưởng mộc trên đường Đê La Thành cho biết, ông và các công nhân làm việc tại xưởng luôn tuân thủ đầy đủ quy định của Nhà nước. Về PCCC, cơ quan chức năng vẫn đi kiểm tra định kỳ và xưởng của ông luôn đảm bảo đáp ứng các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng nếu xảy ra cháy nổ, ảnh hưởng đến các hộ gia đình đang sinh sống bên cạnh và đẳng sau xưởng, ông H từ chối trả lời.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội phụ trách địa bàn 2 quận Đống Đa và Ba Đình cho hay, công tác PCCC thời gian qua luôn được chú trọng và triển khai quyết liệt.
"Không chỉ sau vụ cháy xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức, trong vài năm trở lại đây, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 luôn nhận thức rõ nhiệm vụ và tập trung thực hiện các biện pháp cụ thể phòng chống cháy nổ trên địa bàn. Chúng tôi thực hiện tuyên truyền tới từng tổ dân phố, kêu gọi các hộ dân, hộ kinh doanh tới lớp tập huấn PCCC. Công việc này được quán triệt và thực hiện liên tục, thường xuyên. Mỗi buổi tập huấn kéo dài 90 phút, bao gồm các hướng dẫn cụ thể, không lý thuyết cứng nhắc, đồng thời chúng tôi mang bình chữa cháy đến, mang bình gas đốt lên để minh họa và cho người dân chữa cháy, hướng dẫn các biện pháp an toàn và vận động người dân tự trang bị các thiết bị, phương tiện chữa cháy để đảm bảo tài sản, tính mạng cho chính gia đình mình", Đại tá Nguyễn Trường Sơn nói.
"Ngoài tuyên truyền vào các buổi tối, các ngày thứ 7, Chủ nhật cho người dân, chúng tôi vẫn tiến hành kiểm tra định kỳ các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn, chia làm 3 loại. Loại 1 sẽ kiểm tra định kỳ hàng quý, loại 2 sẽ kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần, và loại 3 sẽ là 1 năm/lần. Cùng với đó, chúng tôi vẫn túc trực 24/24, lăn bánh ngay khi tiếp nhận cuộc gọi báo cháy", Đại tác Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn hai quận Đống Đa và Ba Đình xảy ra tổng cộng 126 vụ cháy, trong đó có 33 vụ cháy ở cột điện, hộp công tơ; 9 vụ cháy bãi rác, bãi có; 12 vụ cháy nồi cá/thịt kho. 84 vụ còn lại liên quan tới người dân trong đó 55 vụ người dân tự chữa, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 chữa cháy 17 vụ. Đáng nói, không có thiệt hại về người trong các vụ cháy trên.
Cũng theo ông Sơn, sau khoảng 1 năm triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã làm việc với hơn 400 tổ dân phố trên tổng số 1.200. Mặc dù vậy, ý thức người dân và các hộ sản xuất kinh doanh tham gia hưởng ứng là chưa cao. "Tổ trưởng tổ dân phố rất nhiệt tình mời gọi, chúng tôi cũng tập huấn hoàn toàn miễn phí, không thu bất cứ một đồng nào của dân, nhưng số lượng người dân tham gia không nhiều. Đơn cử như có một tổ dân phố chúng tôi tổ chức tập huấn hôm 29/7 vừa qua, khu chung cư với khoảng 200 người, chỉ có 17 người tham gia trong đó 8 người trong ban quản lý tòa nhà và tổ trưởng/tổ phó tổ dân phố".
Ông Sơn nhấn mạnh, nếu xảy ra cháy nổ, chính các chủ hộ sản xuất, chủ nhà xưởng phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật, ngay cả khi ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và kết luận vụ việc.
Cần nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về công tác phòng chống cháy nổ, nhất là tại những khu đông dân cư.
"Sau vụ cháy lớn ở Hoài Đức vừa qua, cần đặc biệt lưu ý và tuân thủ việc báo cáo chính quyền, thông báo với các hộ dân xung quanh khi có nhu cầu sửa chữa nhà xưởng, nhất là với các công nhân hàn xì do hầu hết đều không qua đào tạo bài bản. Rất nhiều vụ hỏa hoạn lớn có liên quan tới công đoạn hàn xì như đám cháy tại quán karaoke ở phố Trần Thái Tông làm 13 người thiệt mạng, tại khu Zone 9 trên phố Trần Thánh Tông khiến 6 người tử vong. Các xưởng sản xuất đặt tại các nhà ống phải có nhiều hơn 1 lối thoát hiểm. Đặc biệt, phải nâng cao ý thức về PCCC tới mọi tầng lớp người dân", ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài Luật Bảo vệ môi trường, theo Điều 37 quy định khá chung chung: "Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng có chất dễ cháy, dễ gây nổ; phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người; gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép… không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư" thì chưa có Luật nào quy định cụ thể về khoảng cách an toàn của nhà xưởng, kho tàng thuộc các trường hợp trên đối với nhà dân hay quy định cấm đặt trong khu đông dân cư. Theo đó, người dân dù vẫn biết độc hại, nguy hiểm tới tài sản và thậm chí cả tính mạng vẫn phải sống chung với những "điểm đen" dễ gây cháy nổ với nỗi lo thường trực.
Ngày 30/7, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát số hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh không thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; đôn đốc, hướng dẫn chủ hộ khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy như: an toàn phòng cháy, chữa cháy, thiết bị điện; bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa; quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; gia công, sửa chữa, hàn cắt kim loại; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu… và đặc biệt phải có phương án thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!