Bên cạnh nỗi lo về dịch bệnh, kinh tế, nỗi lo về sự an nguy của hòa bình thế giới vẫn luôn là đề tài được quan tâm. Dù xu thế chủ đạo trong các mối quan hệ quốc tế vẫn là hợp tác nhưng vẫn tồn tại những cạnh tranh chiến lược, những mâu thuẫn về lợi ích và đối đầu về quân sự. Ở thời điểm hiện tại, các loại vũ khí hạng nặng của Mỹ và NATO đang dần áp sát biên giới nước Nga cùng với xe tăng, xe bọc thép, xe chiến đấu. Những chiếc siêu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ cũng có thể sẽ hiện diện tại các nước Đông Âu và vùng Baltic.
Đáp lại kế hoạch này là tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về việc Nga sẽ bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân của mình 40 tên lửa nạp đạn xuyên lục địa, có khả năng xuyên thủng những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất. Quân đội Nga cũng sẽ được trang bị thêm nhiều loại vũ khí mới, trong đó có xe tăng và xe bọc thép mới. Tất cả khiến cho cục diện tình hình giống như một cuộc chạy đua vũ trang. Do đó, thế đối đầu giữa Nga và phương Tây được coi là đang bước sang giai đoạn nguy hiểm hơn, từ cuộc chiến cáo buộc, cấm vận kinh tế đến cuộc chiến sức mạnh quân sự.
TS Đỗ Sơn Hải – Trưởng khoa Chính trị quốc tế, Học viện Ngoại giao - phân tích: "Nga tăng cường các biện pháp quốc phòng là việc làm dễ hiểu bởi Nga đang phải đối đầu với ít nhất hai mối nguy, đó là khả năng lây lan từ cuộc khủng hoảng Ukraine và nguy cơ từ phía NATO. Còn về phía các nước phương Tây, cụ thể là các nước tham gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, họ lý giải việc triển khai tăng cường quân sự là việc làm trong khuôn khổ bảo vệ các nước đồng minh, nhằm đối diện với nguy cơ mà họ ám chỉ là Nga. Vì thế, giữa Nga và phương Tây đang có nhiều đưa đẩy căng thẳng. Nhưng có lẽ, hai bên còn mất một chặng đường rất xa mới dẫn đến đối đầu quân sự".
"Nga cũng đã tuyên bố Nga vẫn là đồng minh của các nước phương Tây trong một số vấn đề quốc tế. Tổng thống Putin cũng khẳng định vẫn muốn hợp tác với các nước phương Tây. Ngay cả các nước thành viên của Liên minh châu Âu vẫn có nhiều vấn đề cần đến sự hỗ trợ từ phía Nga, từ hồ sơ hạt nhân Iran cho đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Hơn nữa, Nga và các nước phương Tây đều là hai thế lực có khả năng tiêu diệt nhau một cách chắc chắn nên chỉ cần một rủi ro vượt quá ngưỡng chịu đựng, cuộc chiến tranh giữa hai bên sẽ là chiến tranh hủy diệt. Tôi cho rằng, diễn biến vừa rồi mang tính chất răn đe nhau nhiều hơn là khả năng đối đầu quân sự" - TS Đỗ Sơn Hải nhận định.
Theo một báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển), kho vũ khí hạt nhân của thế giới vẫn tiếp tục được các quốc gia sở hữu, hiện đại hóa, bổ sung các loại vũ khí mới và hoàn thiện các loại vũ khí hiện có. Những cuộc xung đột, tranh chấp tại nhiều khu vực trên thế giới đang khiến các quốc gia đổ tiền, đổ của để tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng.
TS Đỗ Sơn Hải cho rằng, diễn biến này chưa thể hiện rõ các quốc gia hướng đến việc chạy đua vũ trang. Nhưng theo ông, nếu ngân sách quốc phòng gia tăng, việc mua bán vũ khí cũng tăng lên sẽ khiến nghi kị giữa các quốc gia tăng theo, từ đó việc xây dựng lòng tin giữa các quốc gia sẽ gặp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, rất nhiều thỏa thuận, hiệp định đã được ký kết nhưng lúc này khiến việc kiểm soát vũ khí ở mỗi quốc gia vẫn còn là thách thức lớn.
Để lắng nghe chi tiết hơn những phân tích của TS Đỗ Sơn Hải trong chương trình Toàn cảnh thế giới, mời quý vị theo dõi qua video dưới đây:
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.