Hình ảnh phi công người Jordan Muath al-Kasaesbeh trước khi bị thiêu sống. (Ảnh: Nydailynews)
1. IS sát hại con tin thứ hai người Nhật Bản
Ngày 31/1, IS đã tung một đoạn băng hình lên mạng Internet quay cảnh hành quyết một người mà tổ chức cực đoan này nói là con tin thứ hai người Nhật Bản, nhà báo Kenji Goto.
Trong video, con tin Kenji Goto mặc áo màu cam và quỳ bên cạnh một người đàn ông bịt mặt, cầm dao.
Thông điệp của video này nhắm trực tiếp đến Chính phủ Nhật Bản, rằng IS sẽ đáp trả lại sự can thiệp của Chính phủ Nhật vào cuộc chiến chống lại chúng bằng cách sát hại bất cứ công dân Nhật Bản nào chúng tìm thấy, chứ không chỉ dừng ở hai con tin đã bị hành quyết.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã lên tiếng ngay sau khi video hành quyết con tin Kenji Goto được công bố, rằng hành động của tổ chức IS là một hành động khủng bố hèn hạ.
“Nói đến sự đau lòng của gia đình ông Goto lúc này, tôi thật sự không còn lời nào. Chính phủ đã làm hết sức có thể để bảo toàn tính mạng cho con tin, nhưng đã không thể tránh khỏi kết cục đáng tiếc này” - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu.
Nhưng ông Abe cũng khẳng định, hành động này của IS không làm thay đổi chủ trương của Chính phủ Nhật Bản trong cuộc chiến chống khủng bố.
2. IS thiêu sống phi công người Jordan
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 3/2 đã công bố một đoạn video cho thấy viên phi công người Jordan Kasasbeh đã bị giết hại.
Đoạn video dài 22 phút được tung lên mạng cho thấy, viên phi công Kasasbeh đã bị những kẻ bắt giữ thiêu sống. Đây được coi là vụ hành quyết con tin người nước ngoài tàn bạo nhất mà các tay súng IS tiến hành thời gian qua.
Chính phủ Jordan ngay lập tức đã lên án hành động giết người tàn bạo của IS và thề sẽ có các hành động đáp trả cứng rắn. Theo quân đội Jordan, viên phi công al-Kasasbeh đã bị IS giết hại vào ngày 3/1, tức cách đây 1 tháng, trước khi IS đặt điều kiện trao đổi al Kassasbeh lấy nữ tử tù người Iraq, Sajida al-Rishawi.
Để đáp trả việc làm man rợ của IS, Jordan đã thi hành án tử hình đối với tù nhân Sajida al-Rishawi và tù nhân Ziad al-Karboli - thành viên cấp cao của al-Qaeda.
Tiếp đó, ngày 4/2, quân đội Jordan đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của tổ chức IS trên lãnh thổ Iraq, tiêu diệt ít nhất 55 tay súng trong đó có một chỉ huy IS.
Chiến dịch trên diễn ra vài giờ sau khi Quốc vương Jordan Abdullah II ra lệnh đáp trả mạnh mẽ việc IS sát hại viên phi công Maaz al-Kassasbeh bị nhóm này bắt giữ trước đó.
Trong một tuyên bố, Quốc vương Abdullah II khẳng định: "Máu của Kassasbeh sẽ không đổ xuống một cách vô ích và Jordan sẽ có những phản ứng quyết liệt nhất sau những gì đã xảy ra với người con thân yêu của đất nước".
Cùng ngày, người phát ngôn của Chính phủ Jordan cho biết, Amman sẽ đẩy mạnh vai trò của nước này trong cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu với tất cả các biện pháp quân sự cần thiết. Bộ trưởng Thông tin Mohammad al-Momani nêu rõ, Jordan đang "quyết tâm chống IS hơn bao giờ hết".
3. NATO tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu
Đêm 5/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã quyết định tạo lập một lực lượng mới gồm 5.000 quân có thể triển khai nhanh và đặt thêm 6 sở chỉ huy tại các nước Đông Âu.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thông báo quyết định thành lập lực lượng triển khai nhanh, bao gồm 5.000 quân, sẽ đi vào hoạt động từ năm sau. Lực lượng này vẫn sẽ đồn trú thường trực tại các nước Tây Âu, nhưng nhiệm vụ chính là sẵn sàng triển khai tại các nước Đông Âu là thành viên của NATO khi cần thiết.
Để lực lượng này có thể thực sự triển khai nhanh và tác chiến được ngay lập tức sau khi đổ bộ, NATO đã quyết định lập một số sở chỉ huy cố định tại các nước Đông Âu, với quy mô nhỏ, mỗi sở chỉ huy có khoảng 50 sĩ quan thường trực, với số lượng vũ khí hạn chế.
4. Vấn đề hòa bình cho miền Đông Ukraine chưa có lời giải
Cuộc gặp giữa 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức đã kết thúc hôm 6/2 mà không có một tuyên bố chính thức nào được đưa ra về một thỏa thuận hòa bình mới cho cuộc xung đột leo thang tại Ukraine.
Sau 5 giờ đàm phán căng thẳng, cuộc họp giữa Tổng thống Pháp Francoise Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc tại thủ đô Moscow mà không có bất cứ tuyên bố nào được đưa ra.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, 3 nhà lãnh đạo đã nhất trí tiếp tục thảo luận để hướng tới một thỏa thuận chung dựa trên tinh thần của thỏa thuận ngừng bắn Minsk ký tháng 9 năm ngoái tại Belarus.
Dự kiến, 3 nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục điện đàm vào Chủ nhật tới. Giới phân tích nhận định, việc không có một chi tiết nào của bản kế hoạch hòa bình mới được hé lộ là một dấu hiệu tích cực, cho thấy các bên đang nỗ lực đàm phán nghiêm túc.
5. Máy bay của hãng TransAsia rơi trên sông ở Đài Loan
Ngày 4/2, một chiếc máy bay của hãng hàng không TransAsia của Đài Loan, Trung Quốc đã bị rơi xuống một con sông ở thành phố Đài Bắc.
Hãng tin BBC trích nguồn tin từ hãng thông tấn trung ương Đài Loan CNA cho biết, chiếc máy bay ATR 72 đã rơi xuống sông Cơ Long sau khi va phải một cây cầu. Chiếc máy bay trên cất cánh từ sân bay Tùng Sơn để đến sân bay Kim Môn.
Cho tới ngày 6/2, đội tìm kiếm và cứu nạn Đài Loan (Trung Quốc) đã trục vớt được thêm 4 thi thể nạn nhân, nâng số người thiệt mạng lên 35 người.
Theo phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, 3 trong số 4 thi thể tìm thấy đều là trẻ em. Hiện 15 người đã được cứu và 8 người vẫn đang mất tích, tuy nhiên, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) cho biết sẽ không từ bỏ hy vọng tìm kiếm. Hãng hàng không TransAsia cũng cho biết sẽ bồi thường 38.000 USD cho gia đình của các nạn nhân.
Trước đó, dữ liệu của Trạm kiểm soát không lưu cho thấy buồng lái máy bay ATR 72 đã gửi đi một tín hiệu cấp cứu báo cáo động cơ cháy vào lúc 10h54, chỉ ít phút sau khi máy bay cất cánh. Theo một đoạn băng ghi âm từ buồng lái, các phi công đã nói với trạm kiểm soát không lưu là: “Mayday, Mayday, động cơ máy bay bị cháy”. Mayday là một tín hiệu cấp cứu mà các phi công hay gọi khi máy bay có nguy cơ bị rơi.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.