Dịch MERS đang hoành hành ở Đông Á. (Ảnh: Reuters)
1. Hàn Quốc khẳng định hoàn toàn có thể đối phó với dịch MERS
Trong buổi gặp các nhà ngoại giao nước ngoài và lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức tại Seoul ngày 12/6, quyền Thủ tướng Hàn Quốc Choi Kyung-hwan khẳng định nước này hoàn toàn có thể đối phó với sự bùng phát của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS), nhấn mạnh rằng không có lý do gì để quá lo ngại về tình hình dịch bệnh này.
Quyền Thủ tướng Choi chỉ ra rằng trước đây Hàn Quốc đã thành công trong việc khống chế sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp (SARS) và cúm A, đồng thời khẳng định với ngành y tế phát triển ở đẳng cấp cao và trình độ chuyên môn cao của các nhân viên trong ngành, không có gì phải nghi ngờ về khả năng kiểm soát tình hình dịch MERS của Hàn Quốc. Ông cũng đề nghị các nhà ngoại giao cung cấp thông tin chi tiết về diễn biến tình hình dịch MERS ở Hàn Quốc cho Chính phủ nước mình nhằm ngăn ngừa việc áp dụng các biện pháp thái quá có thể làm gia tăng các mối lo ngại.
Ông Choi Kyung-hwan cho biết thêm Chính phủ Hàn Quốc đang tiến hành mọi nỗ lực để ngăn ngừa dịch MERS lây lan trong tuần này và thường xuyên họp với các quan chức hàng đầu để nắm bắt tình hình. Chính phủ Hàn Quốc đã dành 400 tỷ Won (360 triệu USD) để hỗ trợ các công ty, khu vực và các ngành như du lịch và bán lẻ đang phải chịu ảnh hưởng của MERS. Giới chức y tế còn lập một đường dây nóng sử dụng tiếng Anh dành cho người nước ngoài tại Hàn Quốc nếu họ nghi đã bị nhiễm MERS. Trong trường hợp người nước ngoài bị cách ly, Đại sứ quán của họ sẽ được thông báo lập tức.
Cũng tại buổi họp, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tin tưởng Hàn Quốc có thể khống chế dịch MERS, đồng thời chỉ ra rằng các trường hợp lây nhiễm đều xảy ra tại các bệnh viện và cơ sở y tế.
Trong ngày 12/6, Hàn Quốc ghi nhận thêm một trường hợp tử vong và 4 trường hợp nhiễm MERS. Như vậy, tính từ khi bắt đầu bùng phát tại Hàn Quốc ngày 20/5, dịch này đã lấy đi sinh mạng của 11 người và làm 126 người bị lây. Tuy nhiên, số người bị cách ly do nghi lây nhiễm đã giảm từ hơn 3.800 người trong ngày 11/6 xuống còn 3.680 người trong ngày 12/6 và đây là lần giảm đầu tiên được ghi nhận.
Tại Trung Quốc, Cục hàng không dân dụng nước này đã chỉ thị tất cả các công ty hàng không tăng cường phòng chống MERS đối với các chuyến bay giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, theo đó nâng cao ý thức của phi hành đoàn, tích cực khử trùng cho máy bay và phản ứng nhanh đối với các trường hợp nghi nhiễm MERS. Ngày 29/5 vừa qua, một người đàn ông đến từ Hàn Quốc đã được phát hiện dương tính với virus MERS khi đang ở tỉnh Quảng Đông, Đông Nam Trung Quốc. Ngày 4/6, giới chức y tế địa phương thông báo toàn bộ 75 người tại tỉnh này từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoàn toàn bình thường sau thời gian cách ly.
2. Saudi Arabia họp khẩn với Hàn Quốc về MERS
Các chuyên gia Saudi Arabia đã có mặt tại Hàn Quốc để tham dự một cuộc họp khẩn với các quan chức nước này về dịch MERS.
Tính đến ngày 12/6, Hàn Quốc hiện đã ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong và 4 ca nhiễm hội chứng hô hấp vùng Trung Đông MERS, nâng tổng số ca tử vong lên 11 người và 126 ca nhiễm mới. Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh MERS tại đây, các chuyên gia Saudi Arabia đã có mặt tại Hàn Quốc và tổ chức một cuộc họp khẩn với các quan chức nước này.
Tiến sĩ Ali AlBarrak, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Quân sự tại Saudi Arabia đã dẫn đầu đoàn chuyên gia nước này tới Hàn Quốc hôm 11/6 để chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh MERS. Căn bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của gần 400 người trong tổng số hơn 1.000 ca nhiễm tại Saudi Arabia.
Tiến sĩ Ali Albarrak, Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân sự Saudi Arabia cho biết: “Tại Saudi Arabia, chúng tôi đã phải đối phó dịch bệnh này trong vòng 3 năm qua. Năm ngoái đã chứng kiến sự bùng phát lớn của dịch bệnh trong các thành phố. Tuy nhiên, với nỗ lực kiểm soát lây nhiễm tốt, tình hình đã được cải thiện. Và tới năm nay, chúng tôi đã ghi nhận ít ca nhiễm MERS hơn”.
Các quan chức Hàn Quốc đã bày tỏ cảm ơn những chia sẻ hữu ích từ phía Saudi Arabia.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có số ca nhiễm MERS nhiều nhất bên ngoài Trung Đông kể từ khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại Saudi Arabia vào năm 2012.
3. Trung Quốc ngừng cách ly 75 người nghi nhiễm MERS
Giới chức y tế tỉnh Quảng Đông ngày 11/6 đã ngừng việc cách ly 75 người từng tiếp xúc trước đó với một bệnh nhân nhiễm MERS.
Thông tin từ Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Đông cho biết, tất cả 75 người bị cách ly trước đó đã được xét nghiệm MERS hai lần và đều cho kết quả âm tính. Tất cả đều đã đạt được tiêu chuẩn y tế để được ngừng cách ly và trở về nhà.
Liên quan đến bệnh nhân người Hàn Quốc - trường hợp nhiễm MERS đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc sau khi người đàn ông này tới Quảng Đông vào hôm 29/5, giới chức y tế tỉnh Quảng Đông cho biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này vẫn đang ổn định. Người đàn ông này không bị ốm trong vài ngày gần đây, dù đôi khi vẫn bị ho do viêm phổi.
Còn tại Hong Kong, Trung tâm bảo vệ sức khỏe tại đây cho biết, 16 bệnh nhân nghi nghiễm MERS cũng cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong và Macau vẫn ban bố cảnh báo du lịch và khuyến cáo người dân tránh những chuyến đi không cần thiết tới Hàn Quốc.
4. Dự luật TAA chưa được Hạ viện Mỹ thông qua
Bất chấp nỗ lực của ông Obama, đa số các hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu chống dự luật TAA về hỗ trợ người lao động.
Trưa 12/6, theo giờ Washington (rạng sáng nay theo giờ Hà Nội), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu hai dự luật: dự luật TAA về trợ giúp người lao động Mỹ bị mất việc do tác động bởi các Hiệp định thương mại và dự luật TPA về Trao quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại cho Tổng thống.
Đây là những dự luật liên quan trực tiếp đến việc đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ. Mặc dù đã nỗ lực đến tận phút chót, nhưng cuối cùng, ông Obama đã không thuyết phục được Hạ viện Mỹ.
Trong một động thái hiếm thấy, ngay trước khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu về các dự luật liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Obama đã bất ngờ tới trụ sở Quốc hội tại đồi Capitol. Tại đây ông đã có cuộc họp kín và khẩn cấp với các hạ nghị sĩ Dân chủ, có bài phát biểu để thuyết phục, hay theo cách nói của báo giới Mỹ, là khẩn thiết đề nghị chính các hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ của ông không “giết chết” kế hoạch TPP của Nhà Trắng.
Thực ra chính các nghị sĩ đảng Dân chủ đã khởi xướng dự luật TAA hỗ trợ người lao động bị mất việc do tác động của các hiệp định thương mại. Nhưng đến thời điểm này, do không ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên các hạ nghị sĩ Dân chủ lại quay ra phản đối TAA. Vì nếu không có TAA, dự luật TPA trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống có được thông qua cũng chẳng ý nghĩa gì.
Kịch bản đã diễn ra đúng như vậy. Bất chấp nỗ lực của ông Obama, đa số các hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu chống dự luật TAA về hỗ trợ người lao động. TAA không được thông qua, nên dù sau đó, Hạ viện bỏ phiếu thông qua dự luật TPA trao quyền đàm phán nhanh, nhưng vẫn chưa thể được chuyển sang Nhà Trắng cho ông Obama ký ban hành thành luật.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa hết hoàn toàn. Các hạ nghị sĩ Cộng hòa đã kêu gọi bỏ phiếu lại TAA vào thứ ba tuần tới và ông Obama sẽ có mấy ngày cuối tuần để tìm kiếm sự ủng hộ từ các hạ nghị sĩ Dân chủ.
Một kịch bản khác là, dự luật TPA trao quyền đàm phán nhanh mà Hạ viện vừa thông qua được chuyển lên thượng viện bỏ phiếu. Nếu thượng viện thông qua thì Tổng thống có thể ký ban hành thành luật và ông Obama lúc đó sẽ có nhiều quyền chủ động để sớm kết thúc đàm phán TPP với các đối tác. Nhưng kịch bản này được cho là cũng rất khó khăn, vì Thượng viện khó mà chấp nhận thông qua TPA mà không có TAA đi kèm.
5. EU bác kế hoạch cải cách của Hy Lạp
Ngày 10/6, Liên minh châu Âu đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch cải cách mới mà Hy Lạp vừa đề xuất nhằm đổi lấy 7,2 tỷ Euro cuối cùng trong chương trình cứu trợ 240 tỷ Euro.
Đại diện của Ủy ban châu Âu EC cho biết, những đề xuất mới đây nhất của Athens không phản ánh thực trạng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong đêm nay (11/6) giữa Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng như các cuộc đàm phán tiếp theo ở Brussells trong tuần này. Phía EC cũng từ chối xác nhận liệu EU có yêu cầu Athens đạt thặng dư ngân sách cao hơn những mục tiêu mà chính quyền của ông Tsipras đưa ra hay không.
Đây được coi là một trong những yêu cầu chủ chốt mà Athens phải thực hiện bên cạnh những cải cách về chế độ lương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.