Phát biểu tại Diễn đàn Khoáng sản Tương lai ở Saudi Arabia vào ngày 16/1, ông Dmitriev cho biết tăng trưởng kinh tế của EU đã chậm lại đáng kể kể từ khi ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, trong khi nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục chứng tỏ khả năng phục hồi.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào năm 2022, EU ưu tiên giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Một số thành viên đã tự nguyện ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, trong khi những nước khác - như Áo, Slovakia, Cộng hòa Czech và Italy - vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ quốc gia này. Tuy nhiên, các tuyến cung cấp khí đốt trên đã bị dừng lại vào đầu tháng 1 này sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Nga.
"Châu Âu đang phải gánh chịu thiệt hại do không nhận được khí đốt của Nga, với mức thiệt hại dự kiến lên tới hơn 1.000 tỷ Euro" - ông Dmitriev tuyên bố. Trước đó, ông Dmitriev cho rằng những khoản lỗ này là do chi phí khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cao mà EU đã nhập khẩu với số lượng lớn hơn để thay thế nguồn cung từ Nga.
Ông Dmitriev nói thêm rằng việc Moscow mất bên nhập khẩu khí đốt là EU, cũng như các lệnh trừng phạt nhằm gây bất ổn cho nền kinh tế Nga đều không có tác động đáng kể đến nước này, trong khi EU phải gánh chịu hậu quả kinh tế nặng nề nhất.
Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) (Ảnh: RDIF Press-Service)
"Nền kinh tế Nga đang trong tình trạng tốt, với mức tăng trưởng dự kiến là 4% vào cuối năm 2024, trong khi châu Âu chỉ đạt 1% hoặc thấp hơn. Nếu nhìn vào những nỗ lực chung nhằm hạn chế nền kinh tế Nga, mức tăng trưởng 4% không có vẻ tệ đến vậy" - ông Dmitriev nhận định. Người đứng đầu RDIF dự đoán tăng trưởng của Nga có thể chậm lại ở mức 2% - 2,5% vào năm 2025, nhưng nhấn mạnh rằng kết quả sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nga.
Theo nhiều nhà quan sát, mặc dù đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine trong ba năm qua, nền kinh tế Nga đã thích ứng hiệu quả. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 của Nga lên 3,6%. Ngược lại, cơ quan này đã hạ triển vọng tăng trưởng của Khu vực đồng Euro xuống còn 0,8%.
Trong khi đó, EU đang phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm chạp và những thách thức về năng lượng. Việc mất khí đốt của Nga đã buộc các quốc gia thành viên phải chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế đắt đỏ hơn. Và sự thay đổi này đã đẩy chi phí của các doanh nghiệp và hộ gia đình lên cao, gây căng thẳng cho các ngành sản xuất và thúc đẩy lạm phát.
Ủy ban châu Âu gần đây đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2025 cho Khu vực đồng Euro xuống còn 1,3%. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp suy giảm vào năm 2024, lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ - Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) tiết lộ vào đầu tuần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!