Ô nhiễm nhựa đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Đông Nam Á, nơi chiếm hơn 80% lượng rác thải nhựa trên các đại dương. Những nỗ lực đang được đẩy mạnh nhằm giải quyết vấn đề này và bảo vệ môi trường biển.
Indonesia, quốc gia vạn đảo, mỗi năm phát sinh gần 20 triệu tấn rác thải, trong đó 18% là rác nhựa. Tại Philippines, hơn 61.000 tấn rác được phát sinh mỗi ngày, với 24% là rác thải nhựa. Bali, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Indonesia, đang hứng chịu những đợt "ô nhiễm rác thải nhựa tồi tệ nhất".
Theo Tổ chức phi chính phủ về môi trường Sungai Watch, rác thải nhựa ở Bali có lúc dày đến 1m trong cát. Trong vòng 6 ngày dọn dẹp, 600 tình nguyện viên đã thu gom được tới 25 tấn rác thải, thiết lập một kỷ lục mới.
Tại Philippines, đảo Apo đã trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường khi được công nhận là "Đảo không rác thải" đầu tiên. Hơn 1.000 cư dân của đảo đã duy trì thành công các nỗ lực tái chế, phân loại rác và tuyệt đối không đổ bất kỳ loại rác nào xuống biển. Đảo còn ban hành sắc lệnh cấm nhựa sử dụng một lần, đưa các sáng kiến bảo vệ môi trường vào cuộc sống hàng ngày.
Anh Rimelo Tabanera, một hướng dẫn viên du lịch trên đảo, chia sẻ: "Trước đây, việc giết động vật biển hay đánh bắt cá bằng thuốc nổ là phổ biến. Giờ đây, mọi người không chỉ bảo vệ rùa biển mà còn bảo vệ toàn bộ môi trường".
Ô nhiễm nhựa là vấn đề không của riêng quốc gia nào, đòi hỏi sự chung tay của chính phủ, các tổ chức môi trường và ý thức của mỗi người dân. Những nỗ lực tại Bali hay Apo cho thấy sự thay đổi dù nhỏ cũng có thể tạo nên tác động lớn, góp phần bảo vệ đại dương xanh và hệ sinh thái biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!