Ảnh con tin Goto Kenjo xuất hiện trong đoạn video. (Ảnh: Ibtimes.co.uk)
1. IS sát hại con tin người Nhật Bản
Ngày 25/1, lần đầu tiên Đài phát thanh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã truyền đi thông tin và thừa nhận đã sát hại một con tin người Nhật Haruna Yukawa.
Trong đoạn video dài 3 phút trên, công dân Nhật Bản Kenji Goto đang cầm bức ảnh chụp một thi thể đã bị chặt đầu được cho là của ông Haruna Yukawa, 42 tuổi. Theo thông báo của ông Kenji, IS sẽ không đòi khoản tiền chuộc 200 triệu USD nữa mà thay vào đó là sự tự do cho Sajida al-Rishawi, một nữ chiến binh được al-Qaeda ra lệnh đánh bom tự sát nhằm vào một khách sạn ở Jordan năm 2005 và hiện đang bị nhà chức trách Jordan bắt giữ.
Chính phủ Nhật Bản nhận định hình ảnh trên có tính xác thực cao. Thủ tướng Shinzo Abe đã bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động tàn bạo của IS.
Ông Shinzo Abe cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ không đầu hàng trước chủ nghĩa khủng bố và sẽ tiếp tục đóng góp cho hòa bình và an ninh của thế giới. Người dân Nhật Bản đã có những phản ứng khác nhau trước hành động của IS.
Ngày 27/1, một đoạn video được IS tung lên mạng cho thấy, một bức ảnh của nhà báo Goto đang cầm tấm hình của phi công người Jordan, ông al-Kassasbeh - người bị IS bắt làm con tin hồi tháng trước ở Syria khi chiếc máy bay chiến đấu của ông bị rơi.
Cũng trong đoạn video này, ông Goto nói rằng, ông "còn 24 giờ để sống và ông Kassasbeh thậm chí có ít thời gian để sống hơn” nếu Jordan không trả tự do cho nữ tù binh Sajida al-Rishawi. Các quan chức Nhật Bản ngay lập tức tiến hành cuộc họp khẩn cấp để xác thực đoạn video trên.
Sau đó, ngày 29/1, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lợi dụng con tin người Nhật Bản Kenji Goto để đưa ra lời đe dọa mới, theo đó sẽ dọa giết phi công người Jordan nếu chính quyền Amman không trao cho chúng một nữ tù nhân người Iraq.
Trong đoạn thông điệp ghi âm giọng nói của con tin Nhật Bản Kenji Goto xuất hiện trên các tài khoản Twitter có liên hệ với IS, nhóm này đe dọa: “Nếu nữ tù nhân al-Rishawi không được sẵn sàng trao đổi con tin trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trước hoàng hôn ngày 29/1, phi công người Jordan sẽ bị giết ngay lập tức”.
Truyền thông Nhật Bản ngày 30/1 cho biết, tối 29/1, Chính phủ Jordan đã không trả tự do cho nữ chiến binh đánh bom tự sát Sajida tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ như yêu sách của IS. Chính phủ Jordan cho biết, không thể xác minh sự an toàn của phi công người Jordan Kassebeh, nên từ chối trao đổi con tin.
Người phát ngôn Chính phủ Jordan tuyên bố, cần tiếp tục phân tích thông tin để có đối sách hợp lý với IS. Chính phủ Jordan cũng cho biết, sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để giải cứu con tin người Nhật Bản Kenji Goto hiện đang bị IS bắt giữ.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, hiện nay họ vẫn đang bế tắc trong việc thu thập thông tin, cũng như không đạt được một tiến triển đáng kể nào trong nỗ lực giải cứu công dân Kenji Goto bị IS giam giữ. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với Jordan và kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ của các nước trong khu vực Trung Đông. Với việc Jordan từ chối trao đổi tù nhân, Nhật Bản và Jordan sẽ lại phải chờ đợi phản ứng của IS đối với các con tin.
2. Hy Lạp có Thủ tướng mới
Ngày 26/1, thủ lĩnh Đảng Syriza theo đường lối cánh tả, ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp, sau khi giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Quốc hội.
Ông Alexis Tsipras, 40 tuổi, đã trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Hy Lạp trong 150 năm qua. Ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo này là thay đổi các điều khoản của gói cứu trợ khổng lồ trị giá 240 tỷ USD mà bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế dành cho Hy Lạp.
Đảng Syriza đã giành được 36,3% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 25/1 vừa qua, tuy nhiên lại thiếu 2 ghế trong Quốc hội để có thể điều hành đất nước mà không phải liên minh với Đảng khác. Do đó, Syriza đã quyết định liên kết với Đảng Hy Lạp độc lập để thành lập Chính phủ liên minh.
3. NATO sẽ lập đơn vị tham mưu tại 6 nước Đông Âu
Trong tuần tới, NATO sẽ thông qua quyết định về việc thành lập đơn vị tham mưu và kiểm soát ở 6 nước Đông Âu.
Đó là thông tin từ ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo ông Stoltenberg, NATO sẽ triển khai các đơn vị quy mô nhỏ tại 6 nước Đông Âu giúp điều phối một lực lượng tiên phong được thành lập để đối phó với các hành động của Nga ở Ukraine.
NATO cũng cho biết, tổ chức này dự kiến sẽ mở một trung tâm huấn luyện tại Gruzia trước cuối năm nay - động thái khiến Nga quan ngại. Trung tâm mới này được thành lập nhằm củng cố năng lực phòng thủ của Gruzia.
4. Giao tranh căng thẳng tại Ukraine
Tình hình tại miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu khi hôm 30/1, giao tranh liên tiếp xảy ra giữa quân đội Chính phủ và lực lượng đòi ly khai.
Các cuộc đụng độ mới chủ yếu xảy ra xung quanh thành phố Debaltseve do quân Chính phủ kiểm soát, đồng thời là nút giao thông đường sắt quan trọng nối tỉnh Lugansk và tỉnh Donetsk.
Đại diện quân đội Ukraine khẳng định quân Chính phủ vẫn kiểm soát thành phố gồm 25.000 dân nói trên, trong khi người đứng đầu lực lượng đòi ly khai Andrei Purgin nói với hãng tin Interfax của Nga rằng quân Chính phủ đang bị bao vây. Các nguồn tin cho biết, lực lượng ly khai đã chiếm được một thị trấn nằm cách đó 15km khiến đường tiếp vận vũ khí và lương thực của quân đội Chính phủ gần như bị gián đoạn.
5. Quân đội Nga không tham chiến ở miền Đông Ukraine
Liên quan đến cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, theo kênh truyền hình 5 của Ukraine, Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, ông Viktor Muzhenko hôm 29/1 lên tiếng thừa nhận các đơn vị thường trực quân đội Nga không tham chiến tại khu vực này.
Đây là lần đầu tiên quân đội Ukraine chính thức phủ nhận thông tin về sự hiện diện của quân đội Nga tại miền Đông, trái với các cáo buộc của cả Mỹ và một số nước phương Tây về sự tham gia của quân đội Nga vào cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.