Thủ tướng Alexis Tsipras diễn thuyết tại cuộc biểu quyết ở Quốc hội Hy Lạp. (Ảnh: Reuters)
Đã xuất hiện những tình tiết bất ngờ trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Rạng sáng nay (10/7, theo giờ Việt Nam), Chính phủ Hy Lạp đã chuyển tới Brussels bản dự thảo thoả thuận theo đúng hẹn, tức là trước nửa đêm 9/7. Điều đáng nói là nội dung đề xuất của Hy Lạp gần như đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của các chủ nợ về việc thực hiện các biện pháp thắt chặt chi tiêu để đổi lấy gói cứu trợ.
Văn bản dài 13 trang có tiêu đề “Hành động ưu tiên và Các cam kết” đã được chuyển đi trước nửa đêm. Hy Lạp đồng ý với hầu hết các điều kiện đã nêu trong đề xuất hôm 26/6 của các định chế chủ nợ.
Các điểm chính bao gồm:
- Thuế giá trị gia tăng từ 13% hiện nay sẽ tăng lên 23%, trừ thuế điện năng và dịch vụ khách sạn vẫn là 13%. Đây đã là bế tắc chính trong suốt 5 tháng qua.
- Tăng thuế đánh vào vận tải biển và bãi bỏ ưu đãi thuế cho các hòn đảo.
- Tuổi nghỉ hưu, từ 60 tuổi hiện nay sẽ tăng dần lên 67 tuổi vào năm 2022.
- Tổ chức lại hệ thống thu thuế và cụ thể hoá các biện pháp chống trốn thuế.
- Cắt giảm ngân sách quốc phòng, 100 tỷ Euro trong năm nay và năm sau cắt tiếp 200 tỷ.
Điều kỳ lạ là các đề xuất này đã được Chính phủ Hy Lạp đưa ra trưng cầu dân ý hôm Chủ nhật vừa rồi và kêu gọi cử tri bác bỏ. Khi 61% cử tri Hy Lạp đồng ý bác bỏ, Chính phủ Hy Lạp lại quay lại đồng ý với các đề xuất này. Chiều nay, Quốc hội Hy Lạp sẽ bỏ phiếu thông qua bản đề xuất mới này, tạo cơ sở pháp lý trong nước cho phép Chính phủ đàm phán.
Trong văn bản gửi tới Brussels, Hy Lạp tỏ ý mong muốn giải quyết khoản nợ công, đồng thời đề nghị được nhận gói cứu trợ thứ ba, cộng thêm 35 tỷ Euro nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Với bước lùi của Chính phủ Hy Lạp, cộng thêm với các tuyên bố mềm dẻo hơn ngày 9/7 của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhiều khả năng Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo 19 quốc gia sử dụng đồng Euro sẽ diễn ra vào tối Chủ nhật tới sẽ không đến nỗi thất bại như hai lần trước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.