Cây chổi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống. Việc duy trì và phát triển làng nghề làm chổi thủ công không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình Miền tây hôm nay (VTV Cần Thơ) đã đưa khán giả đến với Xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nổi tiếng với nghề bó chổi cọng dừa từ rất lâu.
Thời gian chính xác bắt đầu có nghề này ở địa phương thì không ai nhớ rõ. Mọi người chỉ biết rằng có một người dân ở nơi khác đến đây sinh sống, truyền nghề bó chổi cho bà con. Dần dà từ một, hai nhà làm chổi thì đến nay xóm chổi đã phát triển với rất nhiều hộ dân theo nghề này với tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Nghề thủ công truyền thống không hề bị mai một vì tất cả nhờ vào sự chịu thương, chịu khó của bà con để giữ nghề gia truyền. Làng nghề còn mở rộng sản xuất để tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nghề bó chổi tuy không khó nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Muốn có chiếc chổi hoàn chỉnh, bền chắc thì người thợ phải làm 4-5 công đoạn. Vì làm thủ công nên mất nhiều công sức. Khâu cực nhất là làm mái chổi. Nghề bó chổi chủ yếu lấy công làm lời, đặc biệt phù hợp với mọi lứa tuổi, từ 10 - 15 tuổi đã có thể làm việc này. Người dân có thể nhận chổi về nhà tự làm khi rảnh rỗi, vừa trông nom gia đình vừa "có đồng ra đồng vô".
Xóm chổi Tầm Vu hiện có hơn 70 hộ theo nghề. Trung bình một ngày nơi đây cung ứng ra thị trường gần 1.000 cây chổi cọng lá dừa với giá từ 10.000 – 20.000 đồng tùy loại. Sản phẩm vừa đẹp về kiểu dáng, vừa chất lượng nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ đó người thợ càng có thêm động lực gắn bó với nghề.
Đối với người dân xóm chổi, làm chổi là giữ gìn truyền thống, nét đẹp cổ xưa bởi mỗi chiếc chổi được làm ra là hình ảnh lưu giữ của bà, của mẹ. Những giá trị tinh thần ấy càng khiến nhiều người dân xóm chổi quyết tâm giữ nghề truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!