VTV.vn - Theo Khảo sát về hành vi tiêu dùng dưới tác động của COVID-19, trong 6 tháng tới, hành vi mua sắm của người Việt sẽ không nhiều thay đổi như giai đoạn trong dịch.
Cụ thể, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa phẩm, chất tẩy rửa và vệ sinh cá nhân, nhà cửa vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong tương lai gần. Trong khi đó, các sản phẩm như may mặc, gia dụng... dù vẫn được mua dùng nhưng không nằm trong danh mục sản phẩm được ưu tiên.
Sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa phẩm, chất tẩy rửa và vệ sinh cá nhân, nhà cửa vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong tương lai gần.
Lý giải nguyên nhân người tiêu dùng vẫn chi tiền cho các sản phẩm này các chuyên gia cho biết tâm lý dè dặt và thận trọng trong tiêu dùng vẫn còn và nhiều người tiếp tục quan tâm các sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Do vậy, các doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng này bằng cách khuyến khích khách hàng duy trì thói quen tốt về chăm sóc sức khỏe.
Kết quả khảo sát còn hé lộ sự khác biệt trong ưu tiên mua sắm của người tiêu dùng tại các địa phương. Cụ thể, trong tương lai gần, người dân tại TP HCM ưu tiên mua sắm nhóm ngành thực phẩm, chăm sóc sức khỏe nhiều hơn các địa phương khác trong khi Hà Nội lại ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu nhiều hơn. Đồng thời, người dân tại các địa phương khác ưu tiên mua hóa phẩm, chất tẩy rửa, sản phẩm vệ sinh nhiều hơn Hà Nội và TP HCM.
Trong nghiên cứu mới đây của Kantar Việt Nam, chi tiêu cho hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng trưởng hai con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị.
Giỏ hàng "mùa dịch" được nạp đầy với ba nhóm hàng hóa chính gồm các loại thực phẩm cần thiết, tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và giúp tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, với các chiến dịch #stayhome, những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng tăng trưởng tích cực.
Giỏ hàng "mùa dịch" được nạp đầy với ba nhóm hàng hóa chính gồm các loại thực phẩm cần thiết, tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và giúp tăng cường sức khỏe.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh Kantar Việt Nam lý giải, mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và hạn chế tiếp xúc. Trong khi đó siêu thị mini được chọn do gần nhà và người tiêu dùng có thể mua dự trữ hàng hóa tại kênh này cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn, tránh đi lại và tụ tập đám đông.
Trong khảo sát của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, 82% người tiêu dùng cho biết họ có mua hàng trực tuyến trong thời gian cách ly xã hội. Đáng chú ý, 98% những người đã mua online trong thời gian dịch bùng phát sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai.
Phía Kantar cũng đưa ra dự báo thị trường FMCG sẽ quay lại mức tăng trưởng một con số sau dịch. Cùng với đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi qua mùa dịch không chỉ mang lại tăng trưởng vượt bậc cho nhiều nhà bán lẻ thời gian qua mà còn có thể tạo bàn đạp để phát triển trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!