Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản cũng lao dốc trong quý 1 vừa qua. Hệ quả là tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới 3 tháng đầu năm đã rơi xuống mức âm.
Daiso Japan - thương hiệu siêu thi đồng giá nổi tiếng của Nhật Bản luôn tự hào với giá cả rẻ và nhiều mặt hàng phong phú. Các sản phẩm đều được bán với giá 100 Yen (khoảng 0,77 USD), được người tiêu dùng Nhật Bản chào đón.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến chuỗi cung ứng bị xáo trộn, cộng với việc đồng Yen yếu khiến nhập khẩu hàng hóa trở nên khó khăn và giá không thể còn cạnh tranh.
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo)
"Khoảng 70% hàng hóa của chúng tôi được nhập khẩu từ nước ngoài. Do chi phí vận chuyển, giá xăng tăng và đồng nội tệ giảm giá nên chi phí kinh doanh của chúng tôi cao hơn nhiều so với trước đây. Các sản phẩm đồ nhựa giờ rất khó nhập khẩu", ông Goto Koichi, Đại diện bộ phận Đối ngoại của Daiso Japan, cho biết.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tính tới việc sử dụng đầu vào là hàng hóa nội địa do không thể bù lỗ chi phí bằng việc tăng giá bán.
Tuy nhiên số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy, chỉ số giá bán buôn giữa các doanh nghiệp trong nước tháng 4 đã tăng 10%, mức cao kỷ lục trong 40 năm.
"Các sản phẩm của chúng tôi đều có giá 100 Yen. Khi chi phí tăng lên, chúng tôi phải dùng nhiều cách khác nhau để giữ giá. Ví dụ, chúng tôi cố gắng tối ưu hóa khối lượng hàng hóa trên cùng một diện tích để giảm chi phí vận chuyển hay chia nhỏ một số hàng hóa. Tôi hy vọng tình hình quốc tế sẽ lắng dịu càng sớm càng tốt để chúng tôi có thể cung cấp hàng hóa và dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng", ông Goto Koichi cho biết thêm.
Để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, hôm thứ Ba (17/5) đầu tuần Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách bổ sung trị giá 21 tỷ USD, để hỗ trợ khẩn cấp các nhà nhập khẩu và trợ cấp xăng dầu, trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho các hộ gia đình thu nhập thấp có con chưa tới tuổi thành niên với mức trợ cấp 50.000 Yen/trẻ.
Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại rằng, nếu đồng Yen vẫn yếu sẽ khiến chủ doanh nghiệp khó có thể đưa ra quyết định tăng lương cho nhân viên, từ đó tiếp tục làm giảm chi tiêu tiêu dùng. Chưa kể, xu hướng tiết kiệm đang gia tăng trong thói quen sinh hoạt sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế nói chung.
Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm VTV.vn - Theo Văn phòng nội các Nhật Bản, GDP thực tế của nước này đã giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021 và là quý thứ 3 trong 5 quý gần đây chứng kiến tăng trưởng âm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!