VTV.vn - Theo kết luận của cơ quan giám định, sản phẩm dầu gấc VITAGA đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu VINAGA đã được bảo hộ thương hiệu.
Sản phẩm dầu gấc VINAGA và VITAGA có cùng màu sắc, cùng thiết kế mẫu mã. Tên gọi của 2 sản phẩm cũng gần giống y hệt nhau khi chỉ thay thế chữ N bằng chữ T.
Những điểm trùng hợp này khiến nhiều người tiêu dùng gặp khó khi lựa chọn sản phẩm dầu gấc trên thị trường, đặc biệt có nơi bán cùng lúc cả 2 loại sản phẩm này.
Sự khác biệt lớn nhất của 2 loại dầu gấc chỉ đến từ nơi sản xuất. Sản phẩm dầu gấc VINAGA là của Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam. Còn sản phẩm VITAGA là của Công ty cổ phần dược phẩm High Tech USA.
Cho rằng sản phẩm bị xâm phạm quyền sở hữu, phía doanh nghiệp dầu gấc VINAGA đã gửi đơn yêu cầu giám định tới Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo kết luận giám định, sản phẩm VITAGA đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu VINAGA đã được bảo hộ thương hiệu. Điều này cũng trùng với quan điểm của đại diện Phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ các nhãn hàng đã được bảo hộ đang diễn ra phức tạp. Trong vòng 3 năm trở lại đây đơn vị này đã phát hiện và đề xuất cơ quan chức năng xử lý hơn 400 đơn vị vi phạm với nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, dù hành vi vi phạm này có thể bị xử lý đến cấp độ hình sự nhưng gần như rất khó, vì buộc phải chứng minh được cả hậu quả đến sức khỏe người sử dụng khi dùng hàng nhái. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe, dù mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 500 triệu đồng.
Vì lợi nhuận từ việc xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất lớn nên nhiều đơn vị vi phạm chấp nhận nộp phạt để tồn tại, trong khi doanh nghiệp bị xâm phạm phải chịu thiệt hại. Và nếu sản phẩm vi phạm còn không đạt chất lượng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!