VTV.vn - Theo EcoWatch năm 2015, ngành thời trang nhanh là nguyên nhân gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới, làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm nước và không khí.
H&M với gần 4.000 cửa hàng trên khắp thế giới đã đưa ra hơn 12.000 mẫu quần áo mỗi năm. Còn Zara, một đế chế khác trong ngành thời trang nhanh cũng không hề kém cạnh khi đưa ra các thiết kế mới hai tuần/lần thay vì một hay hai bộ sưu tập mỗi mùa như trước đây.
Chiến lược kinh doanh của các hãng thời trang nhanh là quần áo phải được đưa ra thị trường càng nhanh càng tốt. Những loại quần áo này thường không bền nhưng đổi lại, khách hàng lại không phải chờ đợi lâu để nắm trong tay những món đồ hợp mốt mới và vừa vặn lúc món đồ hỏng đã có hàng mới trên kệ chờ sẵn. Vòng quay cứ như vậy tiếp diễn không ngừng.
Tại Mỹ, trong chưa tới 20 năm, số lượng quần áo mà người dân vứt đi đã tăng gấp đôi, từ 7 triệu lên tới 14 triệu tấn, tương đương 36kg/người. Vì vậy, việc xử lý quần áo bỏ đi cũng là một bài toán khó.
Ông Jason Kibbey - CEO của Liên minh May mặc bề vững nói: "Sợi vải tự nhiên phải qua rất nhiều quy trình để trở thành vải. Chúng phải được tẩy, nhuộm, in, ngâm trong chất hoá học".
Những chất hoá chất có thể phân huỷ từ vải và lẫn vào bãi rác nhưng không qua xử lý sẽ ngấm vào nguồn nước ngầm. Còn nếu đốt trong lò thiêu những chất độc hai sẽ bay lẫn vào không khí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!