VTV.vn - Dịch COVID-19 khiến học sinh, sinh viên phải học trực tuyến. Điều này cũng thúc đẩy thị trường máy tính, laptop phát triển mạnh mẽ.
Những ngày sau tết, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, nhiều nhân viên, học sinh phải làm việc và học tập tại nhà, nhiều khu vực bị phong tỏa, giãn cách để thực hiện công tác phòng chống dịch. Cho nên, nhu cầu mua laptop để làm việc và học tập tại nhà trong thời gian này là rất lớn.Nhiều cấp học đều đang nghỉ học trực tiếp để phòng chống dịch COVID-19, nên để đảm bảo chương trình học thì nhiều trường cho học sinh, sinh viên học tại nhà. Nhu cầu sắm sửa trang thiết bị, máy tính, laptop vì thế bùng nổ hơn bao giờ hết.
Nhiều gia đình dù đã có tới 2 máy tính, nhưng vì có 2 con học trực tuyến giờ trùng nhau, và phụ huynh cũng cần sử dụng máy tính làm việc nên gia đình này vẫn cần mua thêm 1 chiếc laptop nữa.
"Máy tính tôi lựa chọn tầm giá khoảng 12 - 15 triệu đồng. Với 1 cháu nhỏ đầu tư thêm 1 cái laptop với tầm tiền như vậy là hơi lãng phí nhưng theo tôi thì cũng cần thiết vì các cháu càng ngày càng lớn và trước sau gì nhu cầu sử dụng laptop cũng có", anh Đặng Đình Hưng, Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.
Theo góc nhìn từ diễn đàn Chia sẻ kinh nghiệm cùng con học và thi với hơn 5.000 thành viên, các bậc phụ huynh đều khá bối rối, căng thẳng khi phải sắm sửa thêm các thiết bị phục vụ việc học trực tuyến như máy tính, ipad, máy in….Đây là 1 khoản khá lớn và thậm chí những gia đình đã có các thiết bị này rồi vẫn phải mua bổ sung thêm vì sẽ thiếu thiết bị khi các con lên lớp cùng khung giờ.
Để gỡ khó cho tình huống này, nhiều phụ huynh trên diễn đàn này lựa chọn mua máy tính cấu hình vừa phải và ở tầm giá 5 - 6 triệu đồng như một "giải pháp tình thế". Còn những phụ huynh có kinh nghiệm thì lựa chọn những thiết bị đã qua sử dụng, giá rẻ hơn mà vẫn đảm bảo kết nối mạng và sử dụng các phần mềm học tập cho các con.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, quy mô thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam trong năm 2020 ước tính hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm trước đó nhờ nhu cầu học tập, làm việc tại nhà tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Số lượng laptop sản xuất trong năm nay ước tính tăng 6% lên 170 triệu chiếc.Trong giai đoạn 2020-2024, doanh thu laptop sẽ duy trì mức ổn định trên 10.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp vì thế cũng không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào phân khúc sản phẩm này.
Hệ thống bán lẻ máy tính An Phát cho biết, đầu năm 2021, nhu cầu học trực tuyến tăng khiến doanh số bán các sản phẩm máy tính, laptop, webcam, máy in tăng đến 200% so với giai đoạn trước đó. Trong đó phân khúc sản phẩm giá khoảng 8 triệu đồng được mua nhiều nhất do phù hợp với nhu cầu phát sinh đột biến học trực tuyến thời gian này, và đa số phụ huynh có khả năng chi trả.
"So với trước đây, lượng người mua máy tầm thấp, phổ thông chiếm nhiều hơn vì trước đây người tiêu dùng có tài chính dư dả để đầu tư bộ máy cao cấp, hay máy để bàn để chơi game nhưng với tình hình hiện nay người dùng mua máy phổ thông nhiều hơn, với lựa chọn dưới 10 triệu đồng của đa số người tiêu dùng. Đấy là lý do chung, mặt bằng chung của thị trường hiện nay", ông Đào Đức Tiến, Giám đốc sản phẩm, Công ty TNHH Thương mại Máy tính An Phát chia sẻ.
Còn nhà bán lẻ FPT Retail tranh thủ dịch bệnh và giãn cách xã hội để khai phá thị phần, khi công bố kế hoạch mở 68 trung tâm laptop trong quý I/2021. Năm 2020, mức tăng trưởng đột phá 60% có được nhờ laptop, là một trong những mảng đóng góp lớn vào doanh thu và lợi nhuận. FPT Retail ghi nhận lượng khách hàng trên toàn hệ thống quan tâm nhất phân khúc laptop giá 10-12 triệu, với nhiều hãng đa dạng Dell, Acer, Asus...các mẫu sản phẩm có cấu hình chung đáp ứng tốt nhu cầu học tập, làm việc tại nhà.
Không chỉ FPT, các hệ thống bán lẻ lớn đều đặt nhiều kỳ vọng, Hệ thống Thế giới Di động và Điện máy xanh đưa ra tham vọng chiếm 50% thị phần laptop. Trong khi Digiworld cũng kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm nay tăng lên 300 tỷ, trong đó, mảng laptop đóng góp 60%. Thị trường bán lẻ ngành hàng laptop, máy tính đang được dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2021 sẽ đạt mức 2 con số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!