VTV.vn - Nồi cơm tách đường được quảng cáo là giải pháp vàng, giải pháp tối ưu cho bệnh nhân tiểu đường, nên ngay từ khi xuất hiện, nó đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Giá của nồi cơm tách đường thường cao hơn từ 2 - 3 lần, thậm chí có sản phẩm còn cao gấp 20 lần so với nồi cơm điện thông thường, nhưng hiện rất được ưa chuộng.
Cấu tạo của sản phẩm này chỉ đơn thuần là một nồi cơm nhiều lớp. Trong đó, lớp trên có tác dụng giữ cơm. Lớp dưới có tác dụng chắt bớt nước sôi. Cơ chế hoạt động của nó cũng giống như nồi cơm thông thường, nhưng thêm một động tác là phải tự chắt bớt nước khi gạo sôi.
Để thuyết phục khách hàng về công dụng của sản phẩm, doanh nghiệp còn tung ra loạt bằng chứng, từ tiếng Tây, đến tiếng ta, từ nghiên cứu này đến kiểm nghiệm nọ. Trong đó, Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên còn có đề tài nghiên cứu chất lượng sản phẩm cơm gạo nấu từ nồi cơm tách đường. Phóng viên cũng đã tìm đến Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên để gặp chủ nhiệm đề tài nghiên cứu.
Dù không đánh giá thêm gì về công dụng của sản phẩm và phủ nhận việc nghiên cứu nồi cơm tách đường, nhưng chính những nhà khoa học của Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên cũng đã từng xuất hiện trên truyền thông để trực tiếp quảng bá cho công dụng của loại sản phẩm này. Chỉ đến khi những lời quảng cáo có thể khiến người bệnh hiểu lầm là có thể ăn cơm tùy thích mà không cần lo lắng về sức khỏe, các chuyên gia đã lên tiếng.
"Cây mía có 10% đường. Trong khi cơm gạo chỉ có 1%. Vậy tại sao phải tìm cách tách lượng đường đó ra. Trong khi đó, chúng ta mất một lượng vitamin lớn. Ở Mỹ quy định nếu làm gạo trắng phải tìm cách bổ sung vitamin vào. Vậy trong khi người ta tìm cách bổ sung vào, nồi cơm điện này lại có tác dụng tách nó đi. Điều này rất vô lý" - PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhấn mạnh.
Thực tế, các chất dinh dưỡng sau khi nấu bằng nồi cơm tách đường, bao gồm các loại vitamin, kẽm, protein, canxi… đã giảm khoảng 30% so với việc nấu bằng nồi cơm thường. Thậm chí, theo Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, hàm lượng vitamin B1 trong gạo của nồi cơm tách đường mà đơn vị này phân tích còn bị giảm đi tới 83,8%. Tuy nhiên, chưa một doanh nghiệp nào công bố thông tin này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!