Nhật Bản, Mỹ và Australia thiết lập khuôn khổ quốc phòng mới, tăng cường hợp tác ba bên

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 21/11/2024 11:46 GMT+7

VTV.vn - Australia mới đây đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản nhằm thúc đẩy chương trình hợp tác ba bên.

Chương trình hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Australia sẽ bao gồm tăng cường các cuộc tập trận và nâng cao năng lực chiến lược chung. Trong bối cảnh trật tự quốc tế đang có nhiều biến động, đối thoại ba bên được Mỹ, Nhật Bản và Australia xem như một cơ chế hữu hiệu nhằm định hình và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tăng cường mạnh mẽ cơ chế hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Australia

Tại cuộc gặp tại thành phố Darwin, Australia, Bộ trưởng Bọ Quốc phòng ba nước Mỹ, Nhật Bản và Australia đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong 4 trụ cột gồm hoạt động quốc phòng chung, nâng cao năng lực tiên tiến, đẩy mạnh việc lập kế hoạch chung và gia tăng sự hiện diện trong khu vực.

Cụ thể, trong hoạt động quốc phòng chung, Australia, Mỹ và Nhật Bản thiết lập cơ chế tham vấn ba bên để thống nhất về chính sách và mục tiêu hoạt động của lực lượng quốc phòng ba nước. Nhật Bản sẽ cử binh sĩ sang Australia tham gia huấn luyện chung với quân đội Australia và Mỹ. Đồng thời, ba nước cũng sẽ tăng cường tham gia các cuộc tập trận quân sự chung tại Nhật Bản và Australia.

Ông Richard Marles - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia - phát biểu: "Chúng tôi xin thông báo Lữ đoàn đổ bộ phản ứng nhanh của Nhật Bản sẽ được triển khai thường xuyên đến Australia. Hoạt động này tập trung đặc biệt vào việc hợp tác với lực lượng phòng vệ Australia và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ".

Trong việc nâng cao năng lực tiên tiến, Australia, Mỹ và Nhật Bản cam kết đẩy mạnh nghiên cứu vật liệu hàng không vũ trụ và hệ thống tự hành; hợp tác về cấu trúc phòng thủ tên lửa và phòng không; tăng cường chia sẻ thông tin về khả năng ứng phó với các mối đe dọa; đẩy mạnh hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng của ba nước.

Liên quan đến kế hoạch này, Australia và Nhật Bản sẽ cử quan chức quốc phòng của mỗi nước sang nước bên kia làm việc tại Bộ chỉ huy tác chiến chung và lực lượng Mỹ tại Nhật Bản sẽ chuyển thành Sở chỉ huy lực lượng liên hợp và là đối tác quan trọng của Bộ chỉ huy tác chiến chung của Nhật Bản.

Australia, Mỹ và Nhật Bản cũng cam kết tăng cường hiện diện trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và làm sâu sắc hơn hợp tác với các quốc gia Thái Bình Dương. Đồng thời ba nước cũng sẽ hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ để nâng cao nhận thức về hàng hải và giám sát hàng hải.

Ngoài ra, ba nước cũng cam kết phối hợp với các quốc gia ở Thái Bình Dương để tăng cường năng lực và hỗ trợ các nước này ứng phó với các thách thức an ninh.

Nhật Bản, Mỹ và Australia thiết lập khuôn khổ quốc phòng mới, tăng cường hợp tác ba bên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III, Phó Thủ tướng Australia Richard Marles và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tham quan căn cứ Không quân Hoàng gia Úc tại Darwin, ngày 17/11 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Nhật Bản nỗ lực đẩy mạnh quốc phòng

Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2024 do Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 7 vừa qua, đánh giá Nhật Bản đang phải đối mặt với "môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất" kể từ sau thế chiến đã được đưa ra. Các hành động gần đây của nước này cũng hướng tới mục đích ứng phó với "môi trường an ninh nghiêm trọng" này.

Mục tiêu tiếp theo là Nhật Bản muốn tăng cường vai trò trong các vấn đề an ninh toàn cầu, trở thành một quốc gia có trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Theo đó, Nhật Bản sẽ củng cố những quan hệ đồng minh, các nước cùng chí hướng. Nhật Bản đang muốn mở rộng chương trình xuất khẩu vũ khí, tập trung vào các nước đồng minh và cùng chí hướng nhằm vực dậy nền công nghiệp quốc phòng của nước này, đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về quốc phòng.

Ngoài ra, Nhật Bản đang tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức an ninh mới như an ninh kinh tế, tấn công mạng, an ninh trong lĩnh vực không gian, vũ trụ…

Liệu các mục tiêu, tham vọng của Nhật Bản về vấn đề quốc phòng có thể đối mặt những thách thức nào trong bối cảnh chính quyền Mỹ sắp có sự thay đổi? Theo dư luận của Nhật Bản, có thể nước này đang phải đối mặt với áp lực tăng chi phí quốc phòng từ chính quyền mới của Mỹ, đáng chú ý là chi phí đối với lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Dưới thời cựu Thủ tướng Kishida Fumio, Nhật Bản đã có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% vào năm 2027. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản có thể phải tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% do áp lực từ phía Mỹ.

Chính quyền mới của Mỹ có thể ảnh hưởng tới cấu trúc, hệ thống an ninh ở châu Á mà Nhật Bản đang hợp tác với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong hệ thống hiện tại, Liên minh Nhật - Mỹ mở rộng cùng các đồng minh tăng cường hiện diện của Mỹ tại châu Á.

Bên cạnh đó, hợp tác phát triển tên lửa và các thiết bị quốc phòng khác do Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy có thể bị trì hoãn hoặc đình trệ do chính sách ưu tiên bảo vệ ngành công nghiệp nội địa của chính quyền mới tại Mỹ.

Theo các nhà quan sát, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia lần này nhằm tiếp tục triển khai các kế hoạch cụ thể được đưa ra trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị hồi tháng 6 năm nay tại Singapore.

Thúc đẩy hợp tác trong cơ chế đối tác ba bên giữa Mỹ với Australia, Nhật Bản cũng nằm trong chiến lược hiện thực hóa tham vọng kết nối giữa các đồng minh để cùng chia sẻ lợi ích, giá trị và nhận thức chung về những mối đe dọa an ninh, qua đó tạo sự cân bằng quyền lực thuận lợi cho việc duy trì trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines tăng cường hợp tác quốc phòng

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước