Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang

Quang Duy (Theo Business Insider, Republic World)-Thứ ba, ngày 09/06/2020 06:00 GMT+7

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang

VTV.vn - Trước khi được sử dụng rộng rãi như ngày nay, đai an toàn trên xe hơi cũng từng bị phản đối dữ dội tại Mỹ.

Tại nước Mỹ lúc này, ở nhiều nơi việc che mặt, đeo khẩu trang ở nơi công cộng đã là chuyện bắt buộc để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Các cơ sở kinh doanh cũng có chính sách tương tự để bảo vệ khách hàng và nhân viên của mình. Hầu hết mọi người đều coi đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh, tuy nhiên vẫn còn 1 bộ phận nhỏ thể hiện sự phản đối mà cách đây không lâu còn là một sự phản đối khá rộng rãi. Báo chí Mỹ đưa tin nhiều về các vụ xô xát, thậm chí án mạng liên quan đến việc đeo khẩu trang.

Tìm điểm giống nhau giữa hai khái niệm

Tờ báo điện tử Business Insider chỉ ra rằng thái độ chỉ trích ban đầu đối với các khuyến nghị an toàn sức khỏe cộng đồng không phải là một điều gì mới mẻ ở nước Mỹ. Khẩu trang và đai an toàn xe hơi có 2 điểm chung. Điểm thứ nhất ai cũng có thể đoán được là đều có tính năng bảo vệ an toàn cho con người. Điểm giống nhau thứ hai thì không phải ai cũng biết. Đó là cả hai thứ này đều hứng rất nhiều "gạch đá" khi mới được đưa vào sử dụng tại Mỹ.

Với đại đa số chúng ta thì đeo đai an toàn khi ngồi xe hơi là điều hiển nhiên. Tuy nhiên khi mới áp dụng tại "xứ cờ hoa", biện pháp an toàn này bị "bài xích" chẳng khác gì người ta phản đối chiếc khẩu trang bé nhỏ như bây giờ cả.

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang - Ảnh 1.

Khẩu trang và đai an toàn đều từng bị người Mỹ “ghét bỏ” - Ảnh Getty

Quãng đường dài tìm kiếm sự công nhận của đai an toàn xe hơi

Xe hơi là phương tiện mang tính đột phá của thế kỷ 20. Tại các nước phương Tây, số hộ gia đình sở hữu xe hơi tăng vọt trong giai đoạn này. Tuy nhiên càng nhiều xe hơi chạy trên đường thì càng nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra.

Giai đoạn từ năm 1920 đến 1960, số người tử vong vì tai nạn giao thông tại Mỹ tăng gấp đôi, từ 11 người chết trên 100.000 dân lên 22 người chết trên 100.000 dân.

Đai an toàn lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1885 với mục đích đảm bảo an toàn cho du khách đi taxi trong thành phố. Phải đến giữa những năm 1950, các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ mới đưa đai an toàn trở thành 1 "option" (lựa chọn), người dùng có thể lựa chọn lắp hay không lắp khi mua xe hơi.

Nhưng người dùng chẳng mặn mà. Năm 1956, chỉ 2% người mua xe của hãng Ford chịu chi thêm 27 USD để lắp thêm tính năng an toàn này. Năm 1959, ông Daniel Patrick Moynihan, một chính trị gia đảng Dân chủ, đã dùng từ "thảm họa trên đường cao tốc" để mô tả tình hình tai nạn giao thông tại Mỹ.

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang - Ảnh 2.

Chỉ 2% người mua xe Ford trả thêm tiền để lắp đai an toàn vào năm 1956 - Ảnh: Getty

Ông Ralph Nader, chuyên gia về an toàn giao thông Mỹ, đã dùng cụm từ "đi nhanh hay chậm đều nguy hiểm" và chỉ trích các nhà sản xuất xe hơi đánh cược mạng sống của người dùng để đổi lấy những đồng đô la lợi nhuận. Ông viết hàng loạt bài điều tra cho thấy các hãng xe ở Detroit chủ ý bỏ đi những giải pháp an toàn như đai an toàn để cắt giảm chi phí, giữ giá xe ở mức cạnh tranh.

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang - Ảnh 3.

Ông Ralph Nader trình bày trước một ủy ban Thượng viện Mỹ vào năm 1966 - Ảnh: Business Insider

Điều tra của ông Nader đã thôi thúc các nhà lập pháp có cái nhìn khách quan hơn. Tới năm 1968, Quốc hội Mỹ thông qua luật An toàn Giao thông đường bộ Quốc gia, yêu cầu tất cả các xe hơi (ngoại trừ xe buýt) phải có đai an toàn.

Việc lắp đặt là bắt buộc nhưng có dùng hay không thì vẫn là vấn đề tự nguyện. Và nhiều người Mỹ chẳng thèm quan tâm. Khảo sát năm 1983 vẫn cho thấy chưa đến 15% người Mỹ thường xuyên đeo đai an toàn khi đi xe hơi.

Đến năm 1984, tờ Los Angeles trích một khảo sát khác cho thấy 65% người Mỹ phản đối quy định bắt buộc đeo đai an toàn. Tài xế Mỹ cho rằng, quy định này là "không hiệu quả, bất tiện và không thoải mái".

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang - Ảnh 4.

Năm 1984, 65% người Mỹ phản đối luật đeo đai an toàn trên xe hơi - Ảnh: Getty

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng khi xảy ra tai nạn đai an toàn khiến việc thoát khỏi xe lâu hơn nên… nguy hiểm hơn! Các nhà làm luật bị chia rẽ, xã hội chia rẽ nên chẳng có quy định nào được thông qua, số vụ tai nạn giao thông vẫn không hề giảm.

Bài bình luận của tờ Chicago Tribune đau xót nhận xét rằng: "Ở đất nước này, tự do cá nhân còn quan trọng hơn việc điều tiết luật pháp để cứu mạng người".

Ngành công nghiệp ô tô thì ủng hộ việc đeo đai an toàn nhưng chủ yếu là để tránh phải lắp thêm túi khí. Nhưng công chúng thì vẫn dửng dưng đến mấy chục năm. Có những trường hợp cắt luôn đai an toàn trên xe của mình. Nhiều người khác chẳng ngại thách thức luật đeo đai an toàn tại tòa án.

Ông Jerry Williams, phát thanh viên ở bang Massachusetts, còn phát động cái gọi là "cuộc chiến chống lại đai an toàn", thu thập được 45.000 chữ kí chỉ trong 3 tháng. Sự ủng hộ lớn đến nỗi họ còn tổ chức được một cuộc trưng cầu dân ý để kháng nghị luật đeo đai an toàn mới của bang Massachusetts.

"Chúng tôi cảm thấy khó chịu khi bị bắt buộc đeo đai an toàn và thậm chí còn bị cảnh sát kiểm tra xem mình có đeo không" - ông Williams trả lời phỏng vấn trên tờ South Florida Sun-Sentinel vào năm 1986.

Những con người ích kỷ

Những ý nghĩ vị kỷ tương tự như của ông Jerry Williams 34 năm trước đến giờ vẫn còn tồn tại trong bộ phận không nhỏ người dân Mỹ. Đối tượng của sự ích kỷ chuyển từ đai an toàn xe hơi sang chiếc khẩu trang.

Thống đốc bang Ohio, ông Mike DeWine, đã buộc phải rút lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang và thừa nhận rằng người dân bang này "không phải chính quyền bảo gì thì họ cũng làm theo".

Khi người biểu tình ở bang California xuống đường phản đối tình trạng phong tỏa, họ giương cả những tấm biển so sánh việc bắt đeo khẩu trang với tình trạng cưỡng ép như thời nô lệ.

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang - Ảnh 5.

Biểu tình phản đối đeo khẩu trang tại bang California, Mỹ - Ảnh: Getty

Chia sẽ với tờ Business Insider, ông Nader cho rằng hầu hết những người phản đối đeo khẩu trang là do sự cố chấp của bản thân họ chứ chẳng liên quan gì đến sự tự do hay quan điểm chính trị nào cả.

"Đây là một đặc điểm tính cách đáng ghét của một số người" - ông nói - "Họ không phải thành viên vì cộng đồng, vì tập thể".  Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ này dẫn số liệu cho thấy có gần 20% người Mỹ phản đối quy định đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.

Người Mỹ từng “thù ghét” đai an toàn chẳng kém gì khẩu trang - Ảnh 6.

Ông Ralph Nader chụp ảnh tại một bảo tàng tại Connecticut năm 2015 - Ảnh: Getty

Hy vọng con đường ngắn hơn cho chiếc khẩu trang

Qua thời gian, người Mỹ đã có thái độ cởi mở hơn với đai an toàn: 90,7% người dân thường xuyên sử dụng tính năng này khi lái xe, theo một khảo sát mới năm 2019. Mặc dù vẫn còn duy nhất bang New Hampshire là không có bắt buộc tài xế đeo đai an toàn khi lái xe. Cũng chẳng trách được vì khẩu hiệu trên biển số xe của bang này là "Tự do hay là chết!".

Tỷ lệ người Mỹ sử dụng đai an toàn thay đổi từ 15% lên 90,7% đã cần rất nhiều thời gian (36 năm). Đó là kết quả từ sự vào cuộc tích cực của các nhà làm luật, các cơ quan truyền thông và các tổ chức hoạt động xã hội. Ông Nader hy vọng con đường tìm kiếm sự thừa nhận của chiếc khẩu trang tại nước Mỹ sẽ ngắn hơn chiếc đai an toàn.

"Chúng tôi là một xã hội rất khó lay chuyển về mặt nhận thức. Nhưng những người phản đối khẩu trang và giãn cách xã hội cũng lái xe ô tô và họ cũng đeo đai an toàn đấy chứ. Trớ trêu nhỉ".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước