Nga thử nghiệm vaccine ngừa ung thư

Linh Quy (Theo TASS)-Thứ tư, ngày 13/11/2024 06:25 GMT+7

(Ảnh minh họa: clevelandclinic)

VTV.vn - Nga chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine chống ung thư từ cuối năm nay.

Theo ông Andrey Kaprin - bác sĩ trưởng ngành ung thư của Bộ Y tế Liên bang Nga, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu y tế X quang quốc gia, loại vaccine này có cơ chế dựa trên việc sử dụng các loại virus không gây bệnh có hoạt tính chống ung thư, các virus này được đưa vào cơ thể bệnh nhân. Khi thử nghiệm trên động vật, vaccine không độc hại và cho thấy hiệu quả cao.

Kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng cho phép chuyển sang thử nghiệm lâm sàng trên người. Hồ sơ vaccine đã được đệ trình lên Bộ Y tế để xin cấp phép tuyển dụng nhóm tình nguyện viên cho thử nghiệm trên người. Theo ông Kaprin, các tình nguyện viên này phải là người chưa được điều trị hoá trị.

Hiện nghiên cứu vaccine mRNA trong ngành chống ung thư cũng vẫn đang được tiếp tục. Vaccine công nghệ mRNA sẽ được thực hiện đưa vào cơ thể bệnh nhân một cách "siêu chính xác" - nó có nhiệm vụ lập một "hộ chiếu khối u", gọi là hồ sơ kháng nguyên mới.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, Alexander Gintsburg, cho biết những bệnh nhân mắc u hắc tố và ung thư phổi sẽ là những người đầu tiên thử nghiệm vaccine.

Theo thống kê, ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả Nga và trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính chỉ riêng năm 2022 đã có khoảng 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu bệnh nhân ung thư tử vong. Trong báo cáo vào tháng 2 năm nay, WHO ước tính rằng khoảng 20% số người trên toàn cầu mắc bệnh ung thư trong đời, trong khi khoảng 1/9 nam giới và 1/12 phụ nữ chết vì căn bệnh này.

Trong bài phát biểu tại một diễn đàn ở Moscow về các công nghệ tương lai hồi tháng 2/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ: "Chúng tôi đã tiến rất gần đến việc tạo ra vaccine ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới, có thể sớm cung cấp cho bệnh nhân".

Nga thử nghiệm vaccine ngừa ung thư - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: medtour)

Ngoài Nga, có một số quốc gia khác cũng đang nghiên cứu phát triển vaccine ngừa ung thư. Tháng 5/2024, Anh cũng bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng về vaccine ung thư. Cơ quan Y tế Quốc gia Anh đã đăng ký hàng chục bệnh nhân tham gia chương trình của mình để triển khai các phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa, nhằm mục đích cung cấp phương pháp chữa trị lâu dài.

Các vaccine ngừa ung thư được điều chế riêng cho mỗi bệnh nhân. Sau khi bác sĩ lấy một phần khối u và giải trình tự AND, họ sẽ chỉ mất vài tuần để tạo ra mũi tiêm được cá nhân hóa dành riêng cho khối u của bệnh nhân đó.

Khi vào cơ thế, vaccine ung thư sẽ hoạt động bằng cách ra lệnh cho hệ miễn dịch của người bệnh săn lùng và tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào, ngăn chặn bệnh quay trở lại.

Mặc dù nghiên cứu của Anh vẫn còn ở giai đoạn đầu nhưng các thử nghiệm đã cho thấy loại thuốc này có thể tiêu diệt hiệu quả các tế bào khối u còn sót lại sau phẫu thuật và làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát ung thư.

Năm ngoái, Chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với BioNTech (có trụ sở tại Đức) để triển khai các thử nghiệm lâm sàng cung cấp "phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa", nhằm tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2030.

Phân bổ vaccine đậu mùa khỉ cho 9 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất Phân bổ vaccine đậu mùa khỉ cho 9 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất

VTV.vn - 899.000 liều vaccine đầu tiên đã được phân bổ cho 9 quốc gia trên khắp châu Phi - khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước