Hình minh họa mô tả xe tự hành Perseverance hạ cánh an toàn trên sao Hỏa bằng cần cẩu trên không. (Ảnh: NASA)
NASA vừa công bố hai chiến lược tiềm năng để đưa các mẫu vật từ sao Hỏa về Trái Đất trước năm 2030. Những chiến lược này được xem là giải pháp thay thế cho chương trình Mars Sample Return ban đầu, vốn bị đánh giá là quá phức tạp và tốn kém khi có thể tiêu tốn tới 11 tỷ USD và kéo dài đến năm 2040. Theo Giám đốc NASA Bill Nelson, việc trì hoãn kéo dài gần một thập kỷ là "không thể chấp nhận".
NASA dự kiến sẽ đưa ra quyết định giữa hai phương án vào nửa cuối năm 2026.
Các hình ảnh do NASA cung cấp cho thấy bộ sưu tập mẫu đá sao Hỏa do xe tự hành Perseverance thu thập (Ảnh: AP)
Kể từ khi hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021, tàu thăm dò Perseverance đã thu thập được nhiều mẫu đá và bụi từ miệng hố Jezero - nơi từng là hồ nước và đồng bằng sông cổ đại. Các nhà khoa học tin rằng những mẫu vật này có thể giúp trả lời câu hỏi liệu sự sống từng tồn tại trên hành tinh đỏ hay không.
Tuy nhiên, việc đưa các mẫu vật về Trái Đất là một nhiệm vụ cực kỳ phức tạp, đòi hỏi nhiều tàu vũ trụ phối hợp hạ cánh, thu hồi mẫu vật và đưa chúng trở lại. Trước đó, vào tháng 4/2024, NASA đã kêu gọi các trung tâm nghiên cứu và đối tác công nghiệp đề xuất các giải pháp mới giúp giảm chi phí và độ phức tạp của chương trình này.
Bức ảnh chụp xe tự hành Perseverance ngày 31/1/2023. (Ảnh: AP)
Phương án đầu tiên sử dụng công nghệ hạ cánh đã được áp dụng thành công trên hai tàu Perseverance và Curiosity. Cụ thể, phương án này sẽ sử dụng hệ thống "cần trục bay" để đưa tàu thăm dò xuống bề mặt sao Hỏa. Phương án thứ hai dựa vào các đối tác thương mại như SpaceX và Blue Origin, sử dụng tàu đổ bộ "hạng nặng" được thiết kế riêng cho nhiệm vụ thu hồi mẫu vật.
Cả hai phương án đều cần một phương tiện phóng gọi là Mars Ascent Vehicle (MAV), có nhiệm vụ mang mẫu vật lên quỹ đạo sao Hỏa, nơi tàu quỹ đạo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ tiếp nhận và đưa chúng về Trái Đất. Nelson cho biết việc loại bỏ các yếu tố không cần thiết trong thiết kế ban đầu đã giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể.
Hình minh họa về Mars Sample Return cho thấy nhiều robot sẽ hợp tác để vận chuyển mẫu vật từ hành tinh đỏ về Trái đất. (Ảnh: NASA)
Theo NASA, hai phương án mới có thể giúp đưa mẫu vật về Trái Đất sớm nhất vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2039 với chi phí từ 5,5 đến 7,7 tỷ USD. "Việc theo đuổi hai phương án sẽ đảm bảo NASA thu hồi được mẫu vật từ sao Hỏa với chi phí và thời gian ngắn hơn đáng kể so với kế hoạch trước đây"- ông Nelson nhấn mạnh.
NASA dự kiến trong năm tới sẽ tập trung thử nghiệm và giải quyết các thách thức kỹ thuật của từng phương án. Đặc biệt, hệ thống cần trục bay sẽ cần được thiết kế lớn hơn 20% so với phiên bản đã sử dụng để hạ cánh tàu Perseverance. Đồng thời, MAV cũng cần đảm bảo khả năng hoạt động tốt sau khi hạ cánh và sẵn sàng phóng trở lại.
ESA hiện đang đánh giá các kế hoạch mới của NASA. Nếu được thông qua, chương trình Mars Sample Return sẽ trở thành nhiệm vụ đầu tiên của nhân loại thu hồi mẫu vật từ một hành tinh có khả năng từng tồn tại sự sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!