Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters.
Phát biểu tại lễ phát động chiến dịch "Liên minh sống lành mạnh", Giám đốc Cơ quan Dinh dưỡng – Bộ Y tế Nam Phi, Lynn Moeng cho biết dán nhãn cảnh báo đối với thức ăn nhanh sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được thành phần thực phẩm được đóng gói, bởi tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh dễ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhất là béo phì và tiểu đường.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2016, khoảng 28,3% người trưởng thành ở Nam Phi bị béo phì. Đây là tỷ lệ béo phì cao nhất trong số các nước phía Nam sa mạc Sahara châu Phi. Kết quả khảo sát trên cũng tương tự với số liệu của Cơ quan thống kê Nam Phi (Stats SA) công bố cùng năm với ước tính khoảng 68% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên tại nước này bị thừa cân hoặc béo phì. Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì ở nam giới là 31%. Bộ Y tế Nam Phi dự kiến sẽ đưa ra các quy định dán nhãn cảnh báo tác hại về sức khỏe đối với thức ăn nhanh vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
Ý tưởng dán nhãn cảnh báo đối với thức ăn nhanh trở thành vấn đề quốc tế bởi một số nhà lập pháp cho rằng để giải quyết tỷ lệ béo phì cao, giáo dục nhận thức sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Tháng 10/2018, tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về chống đói và suy dinh dưỡng, khoảng 200 nhà lập pháp từ 80 quốc gia đã bị chia rẽ về biện pháp cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do chế độ ăn uống thiếu lành mạnh gây ra.
Để hạn chế các hoạt động khuyến khích trẻ em tiêu thụ thức ăn nhanh, một số nước, chẳng hạn như Chile, đã nghiêm cấm quảng cáo trên truyền hình, internet, sử dụng đồ chơi, phim hoạt hình hoặc nhãn dán đối với các sản phẩm thực phẩm không lành mạnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dán nhãn cảnh báo đối với thức ăn nhanh sẽ tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng. Vấn đề càng phức tạp hơn bởi chính phủ nhiều nước đã áp dụng thuế đối đồ uống có đường, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!