Thị trường giao đồ ăn nhanh: "Đốt tiền" không phải là chiến lược bền vững

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 07/01/2019 11:48 GMT+7

VTV.vn - Các ứng dụng giao đồ ăn nhanh đều sử dụng chiến lược khuyến mãi để lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, "đốt tiền" không bao giờ là một chiến lược bền vững để cạnh tranh.

Cách đây vài tháng trước, hình ảnh hàng chục tài xế xe ôm công nghệ áo xanh - đỏ đứng xếp hàng dài mua trà sữa tại TP.HCM được cho là minh chứng cho thấy sự nhộn nhịp, đầy tiềm năng của thị trường giao đồ ăn nhanh hiện nay. Tuy nhiên, cuối tuần qua, một trong những ứng dụng giao nhận thức ăn - Lala đã phải rút lui khỏi thị trường. Đại diện Lala vẫn chưa cho biết rõ lý do đằng sau việc từ bỏ thị trường giao nhận thức ăn.

Theo Zing.vn, hình thành từ cách đây vài năm nhưng thị trường giao đồ ăn trực tuyến mới thật sự "nóng" lên trong khoảng 6 tháng trở lại đây với sự tham gia của Grab và mới đây nhất là Go-Viet. Kể từ khi gia nhập thị trường vào cuối tháng 11, Go-Viet liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng như giảm giá lên tới 50% hay miễn phí giao nhận trong phạm vi 5km đầu tiên. Grab cũng thường xuyên đưa ra các mã giảm giá 50% hoặc giảm giá trực tiếp vài chục nghìn đồng hay thậm chí miễn phí đơn hàng có điều kiện.

Trong khi đó, các ứng dụng như Now của Foody hay Lala trước đây cũng có nhiều ưu đãi giảm giá cho khách hàng nhưng số lượng không lớn như của Grab và Go-Viet.

Có thể thấy, các ứng dụng giao đồ ăn đều sử dụng chiến lược khuyến mãi để lôi kéo khách hàng, tương tự như cuộc chiến "đốt tiền" của các ứng dụng gọi xe hay thương mại điện tử. Và trong cuộc đấu này, túi tiền của Lala - một doanh nghiệp nội khó so được với các đối thủ được hậu thuẫn bởi những doanh nghiệp công nghệ quy mô khu vực có vốn hóa tỷ USD.

Tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào có thể "đốt tiền" mãi được. CEO Lazada Việt Nam từng chia sẻ, "đốt tiền" không bao giờ là một chiến lược bền vững để cạnh tranh. Nếu khách hàng nhận được mức giá thấp hơn cả chi phí của doanh nghiệp đó không thể là cách làm bền vững được. Thêm vào đó, giá cả cũng chưa hẳn là yếu tố quyết định đối với khách hàng trong cuộc chơi này. Vậy trong dài hạn, chìa khóa của cuộc chơi khốc liệt này nằm ở đâu?

Bài viết trên tờ Lao động cho biết, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GCOMM công bố ngày 4/1, tiêu chí đứng đầu khi khách hàng quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món đó là tốc độ giao hàng nhanh chóng, chiếm tới 65%. Dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ phần nào chiếm lợi thế.

Một yếu tố quan trọng khác là mạng lưới liên kết đối tác quán ăn. Cụ thể, với những quán ăn đã hợp tác chính thức với các ứng dụng giao đồ ăn, khi người dùng đặt món, cửa hàng sẽ nhận được đơn hàng của khách hàng và chế biến trước giúp tiết kiệm thời gian giao hàng. Trong khi đó, với những quán ăn không liên kết với ứng dụng, tài xế sẽ đóng vai trò mua hộ như một khách hàng bình thường và mất thêm thời gian chờ nhận món tại cửa hàng.

Rõ ràng, để tồn tại trên thị trường giao nhận đồ ăn nhanh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ vốn, kinh nghiệm, cả sự nhanh nhạy trong các mối liên kết. Thị trường này là một "miếng bánh" béo bở nhưng không hề "dễ nuốt". Sự rời bỏ của Lala đã cho thấy điều đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước